Bảo vệ trẻ em trước những thông tin xấu, độc trên không gian mạng

Thứ năm - 10/06/2021 21:55
Mới đây, câu chuyện về H. - một nữ học sinh lớp 7 (12 tuổi) ở vùng quê ven biển Quảng Trị dùng gậy ba khúc đánh vào đầu chị gái chảy máu, sau khi bị ngăn cản nữ học sinh này tiếp tục dùng dao đuổi chém mẹ và chị gái, rất may hàng xóm kịp thời can ngăn nên không xảy ra thương tích, sau đó H. bỏ nhà ra đi khiến nhiều người bàng hoàng, phẫn nộ. Tại sao hành vi côn đồ như vậy lại có thể xuất phát từ một nữ sinh thôn quê như H.?

Theo lời kể của mẹ H., gia đình bà có 4 người con gái, trong đó 3 người đi xuất khẩu lao động, H. còn nhỏ nên ở nhà. 3 năm trước, vợ chồng bà mua một chiếc điện thoại thông minh để H. đăng ký mạng xã hội, thỉnh thoảng cả gia đình gọi video nói chuyện với nhau. Sau một thời gian giúp ba mẹ thu hẹp khoảng cách địa lý với các chị thông qua các cuộc gọi video trên messenger, H. xin dùng điện thoại và được đồng ý. Do bà bận mưu sinh bằng nghề mua bán ve chai, chồng làm nghề biển thường xuyên vắng nhà nên ông bà không để ý mấy đến việc sử dụng điện thoại của H. Cho đến một ngày, bà thấy con gái có những dấu hiệu bất thường như bấm điện thoại suốt ngày, hay đi chơi về khuya, hút thuốc, thậm chí còn uống bia rượu... Muốn biết con xem gì, nói chuyện, nhắn tin với ai nhưng bà lại không biết cách sử dụng điện thoại thông minh, hỏi thì H. không trả lời. Mới đây, chị gái đầu của H. hết hạn hợp đồng xuất khẩu lao động trở về nhà, thấy em ngày càng hỗn láo với mẹ và có những dấu hiệu bất thường nên kiểm tra điện thoại và phát hiện H. thường hay xem những clip nhảm nhí của “giang hồ mạng”, kết bạn, giao du với nhiều thanh niên hư hỏng thông qua mạng xã hội để trốn học, đi bụi và có nguy cơ sa vào tệ nạn xã hội. Bị chị gái phát hiện và lời qua tiếng lại, H. đã cầm gậy ba khúc đánh vào đầu chị gái chảy máu, sau khi bị ngăn cản, H. dùng dao rượt đuổi đòi chém mẹ và chị gái, may nhờ hàng xóm ngăn cản kịp. H bỏ nhà đi từ ngày đó đến nay chưa về.

 

Có thể thấy, nguyên nhân chính dẫn H. đến con đường hư hỏng khi còn lứa tuổi học sinh là do sử dụng điện thoại từ nhỏ nhưng thiếu sự kiểm soát của người lớn. H. đã học theo những thói hư tật xấu do tiếp xúc với những kênh thông tin xấu, độc trên mạng xã hội. Thực tế, không chỉ H. mà ngày càng có nhiều trẻ em bị ảnh hưởng ở những mức độ khác nhau về tư duy và hành vi do tiếp cận với những nội dung giải trí thiếu tính giáo dục trên mạng xã hội. Ví dụ như cuối năm 2020, một bé trai ở Đồng Nai đã thiệt mạng khi học theo trò “thắt cổ nhưng vẫn thở” trên mạng xã hội; bé gái 9 tuổi ở Phú Thọ học theo clip trên YouTube rồi nuốt bấm móng tay vào bụng hay trường hợp một nhóm học sinh ở Tuyên Quang học theo clip trên mạng nướng cóc ăn, phải nhập viện vì ngộ độc nặng…

 

Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD), Hội Nghiên cứu khoa học về Đông Nam Á - Việt Nam thì ở nước ta có khoảng 66,1% trẻ em có thể tiếp cận internet, trong đó 43,4% sử dụng trung bình 1-3 giờ/ngày. Trong khi đó, với tốc độ bùng nổ của thời đại công nghệ số, kéo theo sự phát triển của các trang mạng xã hội với đủ các chiêu trò nhằm mục đích câu view kiếm tiền khiến clip phản cảm, phản giáo dục xuất hiện ngày càng nhiều. Đối tượng được nhắm tới thường là trẻ em từ 8 đến 16 tuổi. Đây là lứa tuổi tò mò và chưa trưởng thành về nhận thức nên khi xem những clip này, nhiều em chưa phân biệt được đúng sai dễ dẫn đến suy nghĩ lệch lạc, lệch chuẩn, một số em còn bắt chước làm theo rất nguy hiểm.

 

Đã có thời gian những clip “giang hồ mạng”, “thánh chửi” của một số nhân vật có hành vi vi phạm pháp luật lại được một bộ phận giới trẻ “thần tượng” làm lệch chuẩn giá trị đạo đức khiến dư luận bức xúc. Mới đây, kênh YouTube Timmy TV với đối tượng người xem chủ yếu là trẻ em nhưng đăng tải rất nhiều video, clip, hình ảnh có nội dung mê tín, kinh dị, bạo lực… ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ. Đáng chú ý là các clip này đều thể hiện bề ngoài là các hình ảnh hoạt hình, nếu chỉ lướt qua phụ huynh sẽ không nhận thấy sự bất thường, nguy cơ độc hại đối với trẻ em. Sau khi Cục Trẻ em có ý kiến, cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra và ra quyết định xử phạt hành chính 15 triệu đồng đối với chủ kênh này, đồng thời yêu cầu đóng kênh, không được phép hoạt động. Trước đó, kênh YouTuber Thơ Nguyễn cũng bị dư luận lên án vì clip “Xin vía học giỏi từ búp bê ma”, cơ quan chức năng đã xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng và khóa kênh này vì hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy mê tín dị đoan, không phù hợp với trẻ nhỏ. Tuy vậy, thực tế những trang mạng xã hội phản cảm, thiếu tính giáo dục bị dư luận phản ánh và cơ quan chức năng vào cuộc xử lý kịp thời như Thơ Nguyễn, Timmy TV vẫn chiếm tỉ lệ quá nhỏ so với tốc độ phát triển như vũ bão của các kênh thông tin nhảm nhí, độc hại đối với giới trẻ trên mạng xã hội như hiện nay.

 

Trên môi trường mạng còn thiếu rất nhiều thiết chế để bảo vệ trẻ em, trong khi bất kỳ một trẻ em nào truy cập internet cũng đều tiềm ẩn nguy cơ bị dụ dỗ, đầu độc bởi những thông tin xấu, độc. Vì lý do này mà đầu tháng 6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021- 2025”. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có chương trình quốc gia huy động sự vào cuộc của nhiều cơ quan với những sáng kiến, nhiệm vụ, giải pháp đột phá nhằm thu thập, phân tích cảnh báo sớm, ngăn chặn, xử lý nội dung vi phạm pháp luật về trẻ em, nội dung không phù hợp đối với trẻ em trong thời đại công nghệ số, thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc bảo vệ trẻ em trước những nguy hiểm rình rập trên môi trường mạng. Tuy vậy, bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng thì trước tiên các bậc phụ huynh, thầy cô giáo cần đồng hành với trẻ em trong việc sử dụng internet. Người lớn phải biết cách hướng dẫn, giáo dục kiến thức, kỹ năng an toàn và kiểm soát trẻ khi tham gia môi trường mạng. Có thể nói, việc xem các video, clip trên mạng không chỉ đơn thuần giải trí mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển tư duy và hành vi của trẻ. Vì vậy, phụ huynh cần cùng con chọn lọc các ấn phẩm phù hợp. Cha mẹ phải biết con mình làm gì, chơi gì khi sử dụng điện thoại mới có thể kiểm soát việc tiếp cận những nội dung trên mạng của con. Từ đó, bảo vệ, giúp đỡ trẻ có nhận thức đúng đắn và sử dụng internet một cách hợp lý, thiết thực cho cuộc sống và học tập để những câu chuyện ảo không gây nên những tai họa thật cho trẻ em.

 

Nguồn tin: PX03 trích nguồn Báo Quảng Trị online:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây