CA QUẢNG TRỊ

https://congan.quangtri.gov.vn


Hiểm họa “tín dụng đen”

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với Bùi Đức Thái về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với Bùi Đức Thái về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.

Tại Quảng Trị trong thời gian gần đây, hoạt động “tín dụng đen” đã trở thành một thực trạng đáng báo động, xuất hiện hầu khắp ở các địa bàn trong tỉnh, thu hút một bộ phận người dân tham gia. Nếu không tỉnh táo, nhiều người sẽ mắc bẫy “tín dụng đen” với những hệ lụy và hậu quả khó lường.
    Khi đời sống kinh tế ngày một phát triển thì nhu cầu cần vốn của người dân và các doanh nghiệp ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, các hình thức tín dụng của Nhà nước khó tiếp cận hoặc thủ tục phức tạp nên không ít các tổ chức, cá nhân đã tìm đến các cơ sở tín dụng không chính thức hoặc các điểm cho vay nặng lãi để giải quyết nhanh chóng nhu cầu. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân vì phục vụ vào những mục đích không chính đáng của bản thân như: chơi cờ bạc, cá độ, game online…cũng luôn trong tình trạng “khát” tiền nên sẵn sàng vay mặc dù biết lãi suất cao. Nắm bắt được nhu cầu đó, nhiều cơ sở tín dụng không chính thức hoặc bất hợp pháp đã mọc lên như “nấm sau mưa”, vươn vòi đến khắp các tỉnh thành trong cả nước, trong đó có Quảng Trị.
    Theo tìm hiểu, những đối tượng hoạt động “tín dụng đen” tại địa bàn tỉnh Quảng Trị chủ yếu là từ các tỉnh phía Bắc như Hải Phòng, Hà Nội, Nam Định…vào. Nhằm qua mắt các lực lượng chức năng, các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” thường có những thủ đoạn rất tinh vi, khi cho vay không thể hiện lãi suất công khai trên giấy tờ; khi các “con nợ” cần vay tiền thì chúng dùng các hợp đồng giả như hợp đồng, ủy quyền mua bán, thuê xe ô tô, xe máy, mua bán nhà đất…để đảm bảo khoản vay, có nhiều trường hợp đối tượng và “con nợ” chỉ cần thông qua 1 cuộc điện thoại hay tin nhắn là có thể hoàn tất “hợp đồng”.
 

 
    Thiếu tá Lê Ngọc Đính, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự, kinh tế, ma túy- Công an huyện Cam Lộ cho biết: Các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn huyện Cam Lộ đã hình thành các tổ chức, đường dây, hoạt động có sự phân cấp, núp bóng dưới dạng công ty tài chính và có sự phân chia địa bàn hoạt động. Các hình thức và thủ đoạn ban đầu là chúng tập trung rải tờ rơi liên quan đến vay tiền, để tìm kiếm khách hàng, sau đó tiếp cận những người có nhu cầu vay và tiến hành cho vay với hình thức nhanh gọn, không cần có tài sản thế chấp cho nên một số người dân nhẹ dạ đã bị mắc bẫy “tín dụng đen”.
    Trước cái bẫy của các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” đưa ra là thủ tục nhanh chóng và có tiền ngay lập tức, giải quyết nhu cầu cấp bách cho những ai cần tiền, nhiều người dân không hề quan tâm đến những hậu quả và hệ lụy do “tín dụng đen” gây ra. Bởi vì các băng, nhóm hoạt động “tín dụng đen” thường gắn với tội phạm có tổ chức. Khi các “con nợ” mất khả năng thanh toán sẽ tổ chức siết nợ, hoặc đe dọa, khủng bố tinh thần bằng nhiều hình thức…Ở địa bàn huyện Cam Lộ, thị xã Quảng Trị đã xảy ra 1 số vụ việc tương tự. Bên cạnh đó, với lãi suất rất cao so với quy định của ngân hàng Nhà nước, người dân khi vay tiền các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” rất dễ rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán. Đơn cử như trường hợp đối tượng Bùi Đức Thái (SN 1986) trú tại phường Đa Phúc, quận Kinh Dương, thành phố Hải Phòng vừa bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Trị ra quyết định khởi tố về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” theo Điều 201 Bộ luật Hình sự là 1 ví dụ. Theo kết quả điều tra, từ tháng 3 đến tháng 7/2019, tại địa bàn tỉnh Quảng Trị, đối tượng Bùi Đức Thái đã thông qua 36 giao dịch dân sự với 14 cá nhân đã cho vay tổng số tiền 367 triệu đồng với mức lãi suất từ 114% đến 536%/ năm. Tổng số tiền lãi đã thu 68.675.000đ, trong đó tiền lãi vượt quá từ 5,7 đến 26,8 lần mức lãi suất cao nhất trong Bộ Luật dân sự 2015 quy định, với số tiền thu lợi bất chính gần 63 triệu đồng. Như vậy, nếu 1 người vay 10 triệu đồng, với mức lãi suất trung bình được tính từ mức lãi suất do đối tượng Thái đưa ra là khoảng 325%/1 năm, tức khoảng 27%/1 tháng, người vay sẽ phải trả tiền lãi vay hàng tháng là 2,7 triệu đồng, chỉ sau gần 4 tháng, số tiền lãi đã ngang bằng với số tiền vay.
    Trước đó, vào đầu năm 2019, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Cam Lộ cũng đã điều tra, làm rõ và ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Thắng Lợi (SN 1991), trú tại phường Đại Áng, quận Thanh Trì, thành phố Hà Nội về tội “Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự”. Theo kết quả điều tra, trong khoảng thời gian từ tháng 11/2018 đến khi bị cơ quan Công an phát hiện, đối tượng Nguyễn Thắng Lợi đã cho 34 người vay với số tiền gần 500 triệu đồng, thu lời bất chính trên 110 triệu đồng. Lực lượng Công an đã tạm giữ 34 bộ hồ sơ cho vay nặng lãi, 01 xe máy,  02 điện thoại di động, tiền và nhiều sổ sách, giấy tờ liên quan đến việc cho vay nặng lãi.
    Theo Thượng tá Trần Hữu Sơn – Trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh, mặc dù các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh, Công an các huyện, thị xã, thành phố đã vào cuộc quyết liệt, sử dụng nhiều biện pháp để ngăn chặn nhưng hoạt động “tín dụng đen” vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, nhưng quan trọng nhất vẫn là sự âm thầm “tiếp tay” của những người có nhu cầu vay tiền; việc cho vay tiền như trên là quan hệ dân sự tự nguyện, có sự thỏa thuận của hai bên, chỉ đến khi người vay tiền không trả được nợ, bị đe dọa, khủng bố tinh thần, thậm chí là đánh đập thì vụ việc mới được trình báo nên gây khó khăn cho công tác phòng ngừa, ngăn chặn.
Mặc dù với nhiều hậu quả và hệ lụy như vậy nhưng nhiều người dân vẫn tìm đến “tín dụng đen” như những “con thiêu thân”. Có “cầu” ắt có “cung”, bên cạnh hệ thống “tín dụng đen” theo kiểu “truyền thống”, đã bắt đầu xuất hiện hình thức cho vay trực tuyến với thủ đoạn biến tướng của “tín dụng đen”. Đây là hình thức vay tiền khá đơn giản khi người cần vay tiền chỉ cần tải ứng dụng về điện thoại di động rồi thực hiện các bước thao tác theo hướng dẫn, tiền sẽ được chuyển về qua tài khoản ngân hàng đã đăng ký trên ứng dụng. Trước sự xuất hiện đầy cạm bẫy của hình thức vay tiền trực tuyến này, Bộ Công an đã có cảnh báo trên cổng thông tin điện tử của Bộ này: Cục Cảnh sát Hình sự Bộ Công an đang phối hợp với Công an thành phố Hồ Chí Minh điều tra vụ án “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” do 1 số đối tượng người Trung Quốc cùng đồng bọn thực hiện tại thành phố Hồ Chí Minh và 1 số tỉnh thành khác trong cả nước. Điều đáng chú ý là các đối tượng đã cho người dân vay với lãi suất 4,4%/ngày, tương đương 1.600%/năm. Tất cả các giao dịch của người vay và người cho vay đều được thực hiện thông qua mạng Internet qua các ứng dụng như: “Vaytocdo”, “Moreloan” “VD online”. Khi người vay không trả nợ đúng hạn sẽ bị các đối tượng gọi điện đến số điện thoại của người thân quen trong danh bạ của người vay tiền để nhục mạ, hạ uy tín, gây sức ép, buộc người vay tiền phải trả nợ. Trong ứng dụng “Vaytocdo” thì người vay lần đầu chỉ được vay 1.700.000đ nhưng thực tế  nhận về chỉ là 1.428.000đ, còn Công ty sẽ thu 272.000đ tiền phí dịch vụ. Trong 8 ngày người vay tiền phải trả 2.040.000đ (trong đó, 1.700.000đ tiền gốc và 340.000đ tiền lãi cho 8 ngày). Nếu khách vay trả chậm tiền sẽ bị phạt 102.000đ/ngày.
    Nhiều bài học đắt giá liên quan đến “tín dụng đen” vẫn còn nguyên giá trị. Vì vậy, bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, người dân, đặc biệt là mỗi gia đình cần nhắc nhở, khuyên nhủ người thân tỉnh táo, nâng cao tinh thần cảnh giác trước những thủ đoạn lôi kéo của các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” nhằm tránh xảy ra tình trạng “tiền mất tật mang”.
 
 

Tác giả bài viết: Thành Nam

Nguồn tin: Công an tỉnh Quảng Trị

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây