Bám địa bàn, bám dân
Vào cuối tháng 6/2023, công an xã quản lý địa bàn thôn A Đeng, xã A Ngo nắm tình hình từ một cuộc họp giữa 11 hộ dân và đại diện Công ty Cổ phần Logistics PTS Việt Nam. Tại cuộc họp, 11 hộ dân kiến nghị Cửa hàng xăng dầu nội bộ, sang hạ tải thuộc Công ty Cổ phần Logistics PTS Việt Nam di chuyển đi nơi khác.
Nếu không di dời thì phải có chính sách, biện pháp hỗ trợ người dân hợp lý vì hoạt động cấp dầu và sang hạ tải của đơn vị này khiến người dân bị ảnh hưởng bởi bụi than. Bụi than còn chảy xuống khe suối gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của người dân trong thôn. Về phía công ty cũng đã có một số trao đổi nhưng kết thúc cuộc họp, hai bên vẫn chưa thống nhất, đồng thuận trong giải quyết vấn đề.
Sau khi nắm bắt thông tin từ cơ sở, Công an xã A Ngo đã tiến hành họp để tìm cách giải quyết, tránh mâu thuẫn bùng phát dẫn đến phát sinh điểm nóng, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vận tải hoạt động. Xã A Ngo có Cửa khẩu quốc tế La Lay. Than đá được vận chuyển từ Lào qua cửa khẩu này. Khi sang đến địa phận Việt Nam, các chủ doanh nghiệp phải sang hạ bớt khối lượng theo quy định của pháp luật dẫn đến tình trạng nêu trên.
Công an xã A Ngo đã tham mưu Đảng ủy, UBND xã tổ chức cuộc đối thoại giữa người dân và doanh nghiệp để giải quyết vướng mắc. “Sau đối thoại, công ty đã xây dựng hệ thống che chắn xung quanh khu vực bãi sang hạ tải để than không chảy ra suối và tránh gió bụi ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Đồng thời công ty cam kết hỗ trợ giếng khoan, hệ thống nước sạch cho các hộ dân xung quanh bãi”, Trung tá Nguyễn Văn Thanh cho biết.
Vụ giải quyết dứt điểm tranh chấp 2 ha đất trồng rừng kéo dài 15 năm giữa 5 hộ dân thôn Định Xá với hộ ông N.V.T. ở Phường 4, TP. Đông Hà là một trong những việc làm ghi dấu ấn trong dân của Trưởng Công an xã Cam Hiếu, Trung tá Nguyễn Thị Thanh Phương (nữ trưởng Công an xã duy nhất ở Quảng Trị). Để giải quyết, chị Phương đã chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ trao đổi với cán bộ địa chính xã để nắm nguồn gốc của diện tích đất tranh chấp; văn bản pháp lý liên quan; đề nghị 5 hộ dân cung cấp các văn bản, tài liệu chứng minh đất của mình.
“Sau năm 1998, khi tỉnh thực hiện phân chia ranh giới giữa các địa phương thì một phần đất ông T. khai hoang trước đây ở Phường 4 đã được chuyển qua địa giới hành chính của xã Cam Hiếu. Vì thế, vấn đề mấu chốt là phải phân tích và cung cấp các hồ sơ, tài liệu liên quan để chứng minh vị trí đất ông T. đang khai thác thuộc về địa giới hành chính của xã Cam Hiếu”, chị Phương chia sẻ.
Công an xã đã tham mưu chính quyền địa phương thành lập tổ thực địa, đo đạc lại toàn bộ diện tích đất đang tranh chấp, ban hành thông báo và mời các bên đến hòa giải, ký cam kết không tranh chấp, không xâm lấn và không để xảy ra mất ANTT tại khu vực đó. Ông Nguyễn Tấn Lễ - một trong 5 hộ dân có đất bị tranh chấp - bày tỏ: “Chúng tôi biết ơn lực lượng công an xã vì đã tham mưu chính quyền địa phương hướng giải quyết vụ việc dứt điểm, thấu tình đạt lý”.
Bằng nhiều việc làm “vì dân”, công an xã trở nên gần gũi với dân hơn. Từ sự tin tưởng này, nhiều người dân ở các xã miền núi Hướng Hóa, Đakrông đã hiến tặng đất xây trụ sở công an xã, được Bộ Công an tặng bằng khen. Nói về lý do hiến tặng 1.500 m2 đất để xây dựng trụ sở và nhà ở cho cán bộ, chiến sĩ Công an xã A Ngo, ông Hồ Lô chỉ ngắn gọn rằng: “Xây trụ sở cho công an thì dân bản đến làm việc cũng có chỗ để ngồi”.
Giữ cho đường làng, ngõ xóm bình yên
Ngày 26/5/2024, anh Nguyễn Thùy Nhi ở thôn Phương Ngạn đến trình báo với Công an xã Triệu Long về việc gia đình bị kẻ gian lấy đi một chiếc xe kéo. Trích xuất camera an ninh, công an xã đã truy tìm và bắt được đối tượng trộm cắp tại huyện Hải Lăng. “Tuy giá trị tài sản không lớn nhưng đây là phương tiện mưu sinh của gia đình tôi. Nhiều người dân trong xã khi mất cắp đều trình báo với công an để truy tìm thủ phạm”, anh Nhi chia sẻ.
Mô hình camera an ninh được triển khai ở xã Triệu Long từ năm 2021, là một trong những mô hình đầu tiên của tỉnh Quảng Trị được huy động từ nguồn xã hội hóa. Từ ngày có hệ thống camera an ninh, tình hình vi phạm giao thông, trộm cắp vặt, xả rác bừa bãi... trên địa bàn giảm đi đáng kể.
Đây là một trong các mô hình hiệu quả của phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc do công an xã tham mưu triển khai thực hiện. Đến nay, toàn tỉnh xây dựng, duy trì 51 loại mô hình/435 mô hình phòng chống tội phạm; 1.924 tổ an ninh nhân dân, 381 tổ tự quản, 122 tổ dân phòng, 381 tổ hòa giải và tổ chức 2.014 lượt tuần tra nhân dân. Nhờ đó, tình hình ANTT khu vực nông thôn được đảm bảo.
Gần 5 năm qua, công an xã trên địa bàn tỉnh Quảng Trị trực tiếp vận động Nhân dân xây dựng 408 mô hình về ANTT tại cơ sở; lập 101 trang fanpage, facebook phục vụ hoạt động tuyên truyền; lắp đặt 1.204 mắt camera an ninh. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng công an xã chính quy đã phát hiện, giải quyết 720 vụ việc phạm tội về hình sự, ma túy, kinh tế, môi trường; bắt và vận động 14 đối tượng truy nã; phát hiện, xử lý 1.264 vụ việc liên quan đến ANTT, phạt tiền gần 458 triệu đồng; lập 2 hồ sơ đưa đối tượng vào giáo dưỡng, 56 hồ sơ đưa đối tượng vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, 68 hồ sơ áp dụng biện pháp giáo dục tại địa phương; xác minh 414 tin tố giác về tội phạm. |
Trên tuyến biên giới, lực lượng công an xã góp phần không nhỏ trên lĩnh vực đấu tranh với các loại tội phạm liên quan đến ma túy. Tại Đakrông, thông qua mô hình “3 quản”, lực lượng chức năng đã kịp thời phát hiện nhiều đường dây, đối tượng cung cấp, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy. Từ năm 2020-2023 đã phát hiện 47 vụ/63 đối tượng tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy; thu giữ 165.055 viên ma túy tổng hợp (MTTH) và 12 kg ma túy đá. Riêng 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ 16 vụ/25 đối tượng, thu giữ 69.591 viên MTTH.
Mới đây nhất, vào ngày 16/8/2024, Công an xã Tân Thành, huyện Hướng Hóa phối hợp với các lực lượng khám xét chỗ ở và truy bắt các đối tượng mua bán trái phép chất ma túy trong Chuyên án 1996T của Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh. Khối lượng ma túy bị thu giữ trong chuyên án này là 5.000 viên MTTH; bắt giữ được cả đối tượng mua và bán.
“Trong chuyên án này, công an xã đã cung cấp thông tin về các đối tượng phạm tội ngay từ ban đầu; phối hợp tham gia khoanh vùng, truy xét và bắt đối tượng tại nghĩa địa thôn Cổ Thành, xã Tân Thành. Từ đầu năm 2024 đến nay, Công an xã đã phối hợp bắt 7 vụ/18 đối tượng tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy, thu giữ 42.400 viên MTTH”, Trung tá Trần Huy Phong, Trưởng Công an xã Tân Thành cho biết.
Lực lượng chủ công trong triển khai Đề án 06
Thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng về dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” của Chính phủ” (Đề án 06), công an các xã đã chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả.
Kết thúc đợt cao điểm thực hiện cấp căn cước công dân (CCCD) cho người đủ 14 tuổi, thu thập và kích hoạt định danh điện tử mức 2 được triển khai vào tháng 8/2024, Công an xã Cam Hiếu là đơn vị dẫn đầu ở huyện Cam Lộ trong việc hoàn thành các chỉ tiêu đề ra. Đơn vị được Công an huyện Cam Lộ nêu gương cho các địa phương trong huyện học tập, nhân rộng.
Để đạt được kết quả trên, Chi bộ Công an xã Cam Hiếu chủ động tham mưu UBND xã kiện toàn Tổ Đề án 06 cấp xã, phân công nhiệm vụ cụ thể cho thành viên, đồng thời thành lập 4 tổ phục vụ theo các địa bàn dân cư (lực lượng nòng cốt là công an xã, đoàn thanh niên, tổ ANTT thôn). Các tổ đều được giao chỉ tiêu để thực hiện. “Quá trình triển khai, hàng tuần tổ đề án của xã đều họp đánh giá kết quả, vướng mắc, khó khăn để tháo gỡ; đề xuất biểu dương, khen thưởng thành viên tích cực”, Trung tá Nguyễn Thị Thanh Phương chia sẻ.
Mô hình Dịch vụ công trực tuyến xã Tân Long ra đời vào năm 2023 là một trong những kết quả thể hiện sự nỗ lực thực hiện Đề án 06 ở huyện Hướng Hóa. “Với điều kiện của một xã miền núi thì việc vận hành được mô hình dịch vụ công trực tuyến là một “bước ngoặt”. Ban đầu người dân còn bỡ ngỡ, gặp trở ngại khi thực hiện các giao dịch giải quyết thủ tục hành chính nhưng đến nay, tỉ lệ tiếp nhận, giải quyết hồ sơ dịch vụ công trực tuyến của xã đạt 99%. Thực hiện tốt mô hình dịch vụ công trực tuyến vừa thể hiện kết quả “đầu ra” của Đề án 06, vừa là mô hình cụ thể để người dân thấy được lợi ích thiết thực của việc chuẩn hóa dữ liệu quốc gia về dân cư, cấp CCCD và đăng ký định danh điện tử mức độ 2”, ông Nguyễn Công Tâm, Bí thư Đảng ủy xã Tân Long đánh giá.
Khó khăn ở địa phương là làm sạch dữ liệu dân cư vì người dân ở đây, nhất là người dân tộc thiểu số lâu nay ít quan tâm lưu giữ các giấy tờ gốc. Năm 2019, việc thu thập thông tin dữ liệu dân cư theo mẫu DC01 do lực lượng công an bán chuyên trách thực hiện nên một số thông tin thu thập không đầy đủ, chính xác.
Sau khi được bố trí về xã, tiếp nhận trường dữ liệu trên, đơn vị phải thực hiện thu thập, điều chỉnh lại thông tin cho người dân trên phiếu DC02 nên mất rất nhiều thời gian. “Khó nhất vẫn là sự thiếu hợp tác của người dân. Người thì cho rằng việc làm đó không cần thiết với bản thân; người thì quá cảnh giác nên khi công an gọi điện đều cho là đối tượng lừa đảo. Công tác tuyên truyền vì thế được Chi bộ Công an xã Tân Long chú trọng hàng đầu”, Thiếu tá Võ Văn Hợp, Trưởng Công an xã Tân Long, chia sẻ.
Theo Thượng tá Lê Minh Hải, Phó trưởng Công an huyện Hướng Hóa, yếu tố đặc thù của địa bàn huyện miền núi ảnh hưởng rất lớn tiến độ thực hiện Đề án 06. Để “gỡ khó”, Công an huyện tham mưu UBND huyện kế hoạch thực hiện đề án, đồng thời chỉ đạo công an xã, thị trấn tập trung thực hiện với quyết tâm cao nhất. “Lực lượng công an xã phải thể hiện tính tiên phong, gương mẫu, gắn vai trò, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo, chỉ huy trong tham mưu, triển khai thực hiện đề án”, ông Hải nói.
Đến nay, tỉnh Quảng Trị đã hoàn thành thu nhận hồ sơ cấp CCCD cho công dân đủ điều kiện trên địa bàn với 584.405 thẻ CCCD đã được cấp cho công dân; thu nhận 440.374 hồ sơ định danh điện tử, kích hoạt hơn 308.644 tài khoản định danh điện tử.
Nguồn tin: PX03 Tổng hợp:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn