Tiếp sức để có thêm niềm tin hoà nhập cuộc sống

Thứ năm - 07/12/2023 02:11
Công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù là quá trình họ tự nhận thức, điều chỉnh tư duy và hành vi phù hợp với các quy định và chuẩn mực xã hội dưới sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Nhà nước và xã hội, giúp cho họ tạo lập cuộc sống bình thường, hòa nhập với cộng đồng, không tái phạm tội. Thời gian qua, tại Quảng Trị, với sự nỗ lực của chính quyền và Nhân dân cùng các đơn vị chức năng, công tác này đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, công tác này cũng còn nhiều hạn chế, khó khăn nên chưa đạt được kết quả như mong muốn.
Công tác tái hòa nhập cộng đồng là một chủ trương, chính sách nhân văn, nhân đạo của Đảng, Nhà nước ta, là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, là quá trình tác động của cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư và gia đình đối với người chấp hành xong án phạt tù, nhằm giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi để họ xóa bỏ mặc cảm, tự ti, tích cực hòa nhập với cộng đồng, trở thành công dân lương thiện, có ích cho xã hội.Trên tinh thần đó, ngày 12/10/2023, Bộ Công an phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt, triển khai Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an; Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Dương Quyết Thắng cùng đại diện các đơn vị thuộc Bộ Công an và Công an các địa phương dự Hội nghị. Tại điểm cẩu Quảng Trị có 75 đại biểu gồm lãnh đạo chính quyền các cấp, Công an tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố; Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh và các sở, ban ngành, đoàn thể tham dự.
 
truc tuyen
Hội nghị triển khai Quyết định của Thủ tướng về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù 

*Chính sách nhân văn, nhân đạo
Công tác hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù thể hiện sâu sắc chính sách nhân văn, nhân đạo của Đảng, Nhà nước và truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Thời gian qua, với sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền, tổ chức xã hội, phát huy vai trò tham mưu, nòng cốt của lực lượng Công an nhân dân, công tác tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn tỉnh đã thu được những kết quả quan trọng, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể và toàn xã hội trong việc quan tâm tạo điều kiện, giúp đỡ những người chấp hành xong án phạt tù ổn định cuộc sống, không tái phạm tội và vi phạm pháp luật. Theo số liệu của cơ quan chức năng, từ năm  2018 đến nay, tỉnh Quảng Trị có 2751 người (trong độ tuổi từ 14-35) chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, trong đó có khoảng 1/3 đã được chính quyền các cấp, cơ quan chức năng phối hợp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tạo việc làm, có thu nhập ổn định, nhanh chóng hòa nhập cộng đồng.Tuy nhiên, số người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng có được việc làm chưa nhiều, không ổn định, là một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tái phạm tội trong số người này đến nay chiếm hơn 3%. Thẳng thắn nhìn nhận, công tác tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn còn những hạn chế, khó khăn, chưa đáp ứng được yêu cầu như mong muốn, nhất là vấn đề tạo việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù để ổn định cuộc sống, không tái phạm tội.
Ngày 17/8/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Lần đầu tiên nước ta có một cơ chế rất cụ thể tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù được tiếp cận, vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để học nghề, sản xuất kinh doanh, tạo lập cuộc sống. Đồng thời cũng có cơ chế để khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tạo việc làm, sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù và huy động các nguồn lực để triển khai thực hiện chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, trong đó có nguồn vốn từ ngân sách địa phương hàng năm ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Tại Quảng Trị, Ngân hàng chính sách xã hội có 09 phòng giao dịch cấp huyện và 125 điểm giao dịch xã, phường, thị trấn. Cả hệ thống chính trị trong đó lực lượng Công an và Ngân hàng Chính sách xã hội được Chính phủ giao có trách nhiệm nòng cốt trong tham mưu tổ chức thực hiện  đã, đang và luôn chuẩn bị sẵn sàng đầy đủ các điều kiện về nguồn lực, nhân lực, vật lực để triển khai tốt các chính sách tín dụng ưu đãi nói chung và chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù nói riêng, với tinh thần triển khai chính sách cho vay nhanh chóng, kịp thời, thuận tiện, phục vụ tại nhà, giải ngân tại xã. Quyết định của Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù là chủ trương rất quan trọng, triển khai một chính sách rất mới, nhân văn, có ý nghĩa đối với công tác bảo đảm an ninh trật tự và nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
 
SK2
Công an và các ban ngành TP Đông Hà thăm gia đình người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng

Tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận nguồn vốn
Theo cơ quan chức năng, sau khi Thủ tướng ban hành Quyết định số 22, theo tổng hợp nhanh từ các địa phương, số người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu vay vốn là 2.089 người với số tiền 138 tỷ đồng. Để các địa phương có nguồn vốn giải ngân ngay sau khi Quyết định có hiệu lực, Ngân hàng Chính sách xã hội đã tạm giao chỉ tiêu kế hoạch cho các địa phương số tiền là 57,5 tỷ đồng. Sau khi Quyết định có hiệu lực, đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội các địa phương đã giải ngân cho khách hàng số tiền là 10,82 tỷ đồng. Tại Quảng Trị, ngay sau Hội nghị quán triệt Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành văn bản số 5007/UBND-KGVX ngày 29/9/2023 triển khai thực hiện. Công an tỉnh và Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã phối hợp xây dựng Chương trình phối hợp thực hiện Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg, trong đó phân công trách nhiệm cụ thể của hai Ngành để thực hiện.
Lực lượng Công an tỉnh ngoài việc đã có nhiều cố gắng thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước trong công tác hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, nay đang là lực lượng nòng cốt cùng với Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg, nhằm giúp đỡ được nhiều người chấp hành xong án phạt tù, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện về địa phương ổn định cuộc sống, không tái phạm tội và vi phạm pháp luật.
Ngân hàng Chính sách xã hội, cơ quan trực tiếp triển khai thực hiện chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù đã và đang triển khai thực hiện tốt các quy trình, thủ tục cho vay, đảm bảo chặt chẽ, đúng đối tượng, đúng quy định, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người chấp hành xong án phạt tù và cơ sở sản xuất kinh doanh được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi; đồng thời, chủ động để bảo đảm nguồn vốn cho vay.
Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo đơn vị chức năng cần tập trung tuyên truyền Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg. Nội dung, hình thức tuyên tuyền cần phong phú, đa dạng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội trong công tác này, tăng cường lan tỏa các thông điệp tích cực, xóa đi kỳ thị để xã hội đón nhận và hỗ trợ người có quá khứ lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng. Đồng thời chỉ đạo UBND cấp huyện, cấp xã, nhất là các địa phương có nhiều người chấp hành xong án phạt tù cần quan tâm, chủ động cân đối bố trí ngân sách địa phương để ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay, đảm bảo đáp ứng đủ nguồn vốn để cho vay; yêu cầu tăng cường hướng dẫn, giúp đỡ để người chấp hành xong án phạt tù và cơ sở sản xuất kinh doanh chấp hành đúng cam kết khi vay vốn; sử dụng có hiệu quả vốn vay, tạo của cải vật chất, thu nhập cho bản thân và đóng góp cho xã hội.
Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg là chính sách mới, do đó, trong quá trình triển khai thực hiện, các bộ, ngành, UBND các cấp, các đơn vị có liên quan thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện để kịp thời phát hiện những vấn đề nảy sinh và có biện pháp xử lý; kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng chính sách để trục lợi. Quyết định này ra đời đã đáp ứng rất kịp thời đòi hỏi của thực tiễn, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị đã và đang tập trung chỉ đạo lực lượng Công an và Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp tham mưu HĐND, UBND cấp tỉnh, cấp huyện bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay; phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội trong quá trình giám sát vốn vay và thu hồi nợ; đồng thời phối hợp với các địa phương, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể triển khai có hiệu quả, minh bạch, đúng quy định của pháp luật, đưa chính sách nhân văn, nhân đạo này thực sự đi vào đời sống cộng đồng. Góp phần giúp những người lầm lỗi hoàn lương và đảm bảo tốt an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh nhà.
Để triển khai Quyết định 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Công an kịp thời và có hiệu quả, thời gian tới, Công an tỉnh và Ngân hàng chính sách xã hội sẽ ký kết Quy chế phối hợp./.

Nguồn tin: PX03:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây