Hành động quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả!

Thứ ba - 14/03/2023 03:31
Năm mới 2023 đã bắt đầu với những ngày sôi động đầy khí thế vượt khó của mọi cấp, mọi ngành. Thông điệp "tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia" cũng đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi kết luận phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, tổ chức ngày 3/2.

CCHC là việc mà chúng ta đã quyết liệt đẩy mạnh trong những năm qua nhằm tạo thuận lợi, giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, doanh nghiệp, nền kinh tế.

image001.png -0
Ảnh minh họa.

Với năm 2023, CCHC còn phải gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đó là điểm mới, mục tiêu mới và cũng là nhiệm vụ mới được triển khai và đẩy mạnh ngay trong những ngày đầu năm mới để công cuộc phục hồi kinh tế sớm đạt được những mục tiêu mà Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ đã đặt ra.

Để làm được những việc này, người đứng đầu Chính phủ lưu ý, CCHC phải được tiến hành đồng bộ, thông suốt, quyết tâm hành động từ Trung ương xuống địa phương theo tinh thần "tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt", tránh tình trạng "trên nóng, dưới lạnh".

Vì sao phải quán triệt tinh thần "tiến hành đồng bộ, thông suốt, quyết tâm hành động"? Là vì mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với hoạt động hành chính công vụ vẫn chưa cao như mong muốn; người dân, doanh nghiệp vẫn phải đi lại nhiều lần để thực hiện dịch vụ công. 46/63 tỉnh vẫn còn để xảy ra tình trạng sách nhiễu, phiền hà trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công; 22/63 địa phương còn để xảy ra tình trạng cán bộ, công chức gợi ý nộp thêm tiền ngoài phí, lệ phí - tiền "bôi trơn"…

Người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ các nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế này, trong đó có một số cá nhân người đứng đầu có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, ảnh hưởng đến tiến độ; chất lượng đội ngũ công chức, viên chức một số nơi còn hạn chế...

Tin vui của những ngày tháng đầu năm đang tạo nên một sinh khí mới trên tất cả các lĩnh vực. Với đợt cao điểm Tết Nguyên đán vừa qua, lượng hành khách đi lại bằng đường hàng không cả nội địa và quốc tế tăng đột biến, đã cho thấy tín hiệu "bùng nổ" ấn tượng của các lĩnh vực hàng không - du lịch sau đại dịch COVID-19.

Từ miền núi phía Tây Quảng Trị của miền Trung, lượng hàng hóa qua, về cửa khẩu quốc tế Lao Bảo diễn ra sôi động. Theo thống kê, từ đầu tháng 1 đến nay, số lượng phương tiện xuất nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo là hơn 12.400 lượt; kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt hơn 26.600 USD; nộp ngân sách hơn 14 tỷ đồng. Hàng hóa quá cảnh đạt hơn 400 triệu USD. Dự báo lượng phương tiện cũng như người về qua cửa khẩu này sẽ còn tăng mạnh, qua đó sẽ giúp tăng thêm nguồn thu cho ngân sách, từng bước đẩy mạnh phát triển kinh tế trên trục Hành lang kinh tế Đông Tây.

Kể từ sáng 8/1 đến nay, khi Cửa khẩu Lào Cai (Việt Nam) - Hồ Kiều (Trung Quốc) chính thức mở lại sau ba năm tạm ngừng do dịch COVID-19, không khí giao thương đã sôi động trở lại. Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu cầu Bắc Luân 2 và Lối mở cầu phao tạm Km3+4 Hải Yên (Móng Cái) cũng đã thông thương trở lại vào sáng 28/1, sau những ngày tạm dừng nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão.

Ngay tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Xúc tiến đầu tư Vùng được tổ chức tại TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định vào sáng 5/2, lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung đã trao Giấy chứng nhận đầu tư, Quyết định chủ trương đầu tư, Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư của 19 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 26.581 tỷ đồng và 2.691,7 triệu USD.

Rất nhiều hoạt động khác nữa trên các lĩnh vực đã cho thấy sự cần thiết phải quyết liệt nỗ lực CCHC gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh CCHC được Đảng ta coi là nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới cũng đã xác định: "Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ, chính quyền địa phương; xây dựng nền hành chính Nhà nước phục vụ nhân dân, chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả".

Muốn thực hiện tốt những nhiệm vụ mà Nghị quyết số 27-NQ/TW đặt ra và hoàn thiện công tác CCHC nói riêng thì đòi hỏi phải thống nhất trong nhận thức và hành động, có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả.

 

Nguồn tin: PX03 trích nguồn báo CAND online:

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây