Có thể thấy, qua 35 năm tính từ ngày lập lại, tỉnh Quảng Trị đã tổ chức nhiều sự kiện quan trọng, tuy vậy, Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024 là lần đầu tiên tỉnh tổ chức một sự kiện lớn tầm cỡ quốc gia, quốc tế với nhiều hoạt động nối tiếp nhau trong một thời gian dài.
Các sự kiện chính và hoạt động hưởng ứng lễ hội như: Lễ hội Đạp xe Vì hòa bình; Lễ khai mạc Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024; đêm nhạc Trịnh Công Sơn - Khúc ca hòa bình; Lễ hội Ẩm thực “Hương vị miền hoa nắng”; Lễ Cầu siêu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ; Chương trình “Ước nguyện hòa bình”; Chương trình nghệ thuật chính luận “Vĩ tuyến 17- Khát vọng hòa bình”; các triển lãm tranh, ảnh; hội thảo, giải chạy Marathon với chủ đề về hòa bình...diễn ra an toàn, thu hút đông đảo người dân và du khách trong nước, nước ngoài hưởng ứng, tham gia.
Lễ hội đạt được mục tiêu đề ra: Tôn vinh giá trị của hòa bình, kêu gọi mọi người chung tay đấu tranh, gìn giữ, xây dựng cuộc sống hòa bình, thịnh vượng, bền vững cho quê hương, đất nước và nhân loại. Tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sĩ; tưởng niệm các nạn nhân chiến tranh, những mất mát đau thương do chiến tranh gây ra. Tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, tài nguyên, sản phẩm du lịch về mảnh đất, con người Quảng Trị; thu hút du khách trong nước và quốc tế đến Quảng Trị, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Xây dựng Quảng Trị từng bước trở thành không gian văn hóa vì hòa bình, điểm đến vì hòa bình, biểu tượng sức sống mãnh liệt của nhân loại ngay trên mảnh đất bị tàn phá khốc liệt do chiến tranh; nơi họp mặt, chia sẻ của những thành phố, những dân tộc từng bị chiến tranh hủy diệt như Quảng Trị trên toàn thế giới.
Ngoài việc tạo được cảm xúc, truyền tải các thông điệp nhân văn, yêu chuộng hòa bình tới cộng đồng, các hoạt động của lễ hội còn tác động tích cực đến nhiều mặt trong đời sống của người dân trong tỉnh, như việc các cơ sở kinh doanh, hộ buôn bán có cơ hội quảng bá sản phẩm; giới thiệu hình ảnh, nét văn hóa đặc trưng của Quảng Trị đến mọi miền; các dịch vụ trên địa bàn cũng tăng doanh thu nhờ lượng du khách đến tham gia các hoạt động của lễ hội.
Quan sát thực tế cũng như dư luận đều ghi nhận, đánh giá cao, các hoạt động của lễ hội đã để lại ấn tượng sâu đậm trong công chúng. Đặc biệt, qua các hoạt động của lễ hội, người dân trên địa bàn đã được hưởng thụ, thưởng thức các giá trị nghệ thuật, văn hóa đa dạng, được nâng cao đời sống tinh thần, lan tỏa tính nhân văn và tình đoàn kết trong xã hội.
Phải nói rằng, lần đầu tiên một lễ hội quy mô rất lớn với chuỗi các hoạt động diễn ra liên tiếp nhưng tất cả đều chu toàn, trọn vẹn, đều như mong đợi là không dễ! Nhìn lại toàn bộ sự kiện, từ ý tưởng đến quá trình tổ chức, chúng ta thấy rõ: Theo đúng chủ trương, định hướng của Thủ tướng Chính phủ, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Tổ chức Lễ hội Vì Hòa bình với vai trò đặc biệt quan trọng - “nhạc trưởng” của lễ hội - đã xây dựng đề án, kế hoạch và triển khai thực hiện một cách xuất sắc. Lễ hội được các bộ, ngành trung ương quan tâm hỗ trợ, phối hợp và trực tiếp tham gia; các cơ quan, đơn vị, địa phương vào cuộc tích cực, đồng bộ, trách nhiệm cao.
Bên cạnh đó, với quan điểm chủ thể của lễ hội là mọi đối tượng - các tổ chức, doanh nghiệp, người dân vừa là đối tượng, vừa là chủ thể nên đều cùng tham gia. Trên tinh thần đó, Ban Tổ chức lễ hội đã triển khai các hoạt động hướng đến sự tham gia đóng góp công sức cũng như thụ hưởng cho toàn thể cộng đồng.
Vậy nên, trong lễ hội này, người dân và các doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ trên địa bàn không đơn thuần chỉ đáp ứng nhu cầu của du khách với mục tiêu thuần túy là “lợi nhuận”, mà còn có trách nhiệm chung sức, đồng lòng phục vụ lễ hội, xây dựng, quảng bá hình ảnh, mảnh đất con người Quảng Trị.
Góp phần rất quan trọng vào thành công của lễ hội phải kể đến lực lượng báo chí. Chúng ta thử hình dung, nếu không có sự tham gia của báo chí trong công tác thông tin thì hiệu ứng từ lễ hội cũng chỉ dừng lại trong phạm vi hẹp - chủ yếu với những người trực tiếp đến nơi diễn ra sự kiện. Trong lúc yêu cầu là thông tin phải được lan tỏa rộng rãi trong xã hội mới đạt được mục tiêu của lễ hội.
Sự vào cuộc của hàng chục cơ quan báo chí trung ương, báo ngành, báo các tỉnh thành trong nước và báo chí Quảng Trị, với đủ các loại hình báo chí, hình thức thể hiện đa dạng, phong phú, đã đăng tải trên báo in, báo điện tử, mạng xã hội, sóng truyền hình hàng ngàn tin bài, chương trình truyền hình (cả ngôn ngữ Việt và nước ngoài. Riêng Báo Quảng Trị đã biên dịch, đăng tải trên trang tiếng Anh báo Quảng Trị điện tử khoảng 70 tin bài về Lễ hội Vì Hòa bình), nên sức lan tỏa thông tin rất lớn, “phủ sóng” rộng khắp, không chỉ trong nước mà cả quốc tế cũng biết đến các hoạt động, mục đích, ý nghĩa của Lễ hội Vì Hòa bình. Đây cũng là dịp hình ảnh mảnh đất, con người Quảng Trị được giới thiệu, quảng bá một cách sâu rộng nhất.
Với quan điểm “khai mạc nhưng không bế mạc”, các hoạt động trong khuôn khổ chương trình Lễ hội Vì Hòa bình tuy tạm kết thúc nhưng những giá trị được tạo ra từ lễ hội thì không bao giờ “khép lại”, mà mãi mãi lan tỏa, nhân lên trong đời sống, xây dựng một hình ảnh “đẹp” về Quảng Trị, góp phần hướng nhân loại đến cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc!
Nguồn tin: PX03 Tổng hợp:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn