Quanh chuyện: Vừa bị hại, vừa bị cáo!

Thứ hai - 12/08/2024 02:44
“Chiều nay 27/7, thông tin từ Công an huyện Hải Lăng cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra của đơn vị vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt, tạm giam đối với Lê Thị Hương (sinh năm 1971), trú tại Khóm 6, thị trấn Diên Sanh, huyện Hải Lăng để điều tra, làm rõ hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Đây là nội dung ở bản tin “Khởi tố, bắt tạm giam đối tượng ở Hải Lăng cho vay với lãi suất cao gấp 5 lần mức quy định tối đa” của báo Quảng Trị điện tử đăng ngày 27/7/2024.

Lần theo mục “Tin liên quan” ở cuối bản tin này sẽ ra hàng loạt vụ án vừa bị khởi tố, điều tra, xét xử về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Trị trong thời gian gần đây, với những cái tít: “Tuyên xử phạt tiền 300 triệu đồng đối với 2 bị cáo cho vay lãi nặng”, “Tạm giữ đối tượng từ Thanh Hóa vào Đông Hà cho vay lãi nặng 365%/năm”, “Một đối tượng bị truy tố khi cho vay với tiền lãi từ 3.000 - 5.000 đồng/1 triệu đồng/ngày”, “Vụ vợ chồng Liêm “trọc” lừa đảo hơn 53 tỉ đồng: Khởi tố thêm 3 bị can tội cho vay nặng lãi”, “Khởi tố 3 vụ án, 3 bị can về tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, “Lừa đảo hơn 50 tỉ đồng để trả nợ và chơi game, hai vợ chồng lãnh án 32 năm tù”...

 

Chỉ đọc các tít trên báo đã hình dung được nội dung vụ việc là lừa đảo bằng vay tiền với lãi suất cao rồi không trả, chiếm đoạt tài sản của người cho vay.

Và mới nhất, ngày 2/8/2024, Báo Quảng Trị nhận được văn bản của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Hải Lăng về việc thông tin tìm bị hại trong vụ án hình sự cho vay lãi nặng xảy ra tại thị trấn Diên Sanh, huyện Hải Lăng. Bị can trong vụ án là Lê Thị Hương đã cho người khác vay tiền với mức lãi suất cao hơn 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định tại Bộ luật Dân sự và thu lợi bất chính gần 122 triệu đồng.

Việc đối tượng lừa đảo vay tiền với lãi suất cao rồi chiếm đoạt tài sản, bên cho vay thì vừa mất tiền, vừa vi phạm quy định pháp luật do “cho vay lãi nặng” đã xuất hiện từ lâu.

Ở Quảng Trị, năm 2011 xảy ra vụ án lớn là Công ty Cổ phần Thái Bảo vỡ nợ cả trăm tỉ đồng do vay tiền với lãi suất cao, mất khả năng thanh toán. Sau đó, thỉnh thoảng trên địa bàn cũng xảy ra các vụ án dạng này bị pháp luật xử lý.

Thế nhưng, các vụ việc tương tự không giảm đi mà lại có chiều hướng tăng, được minh chứng là thời gian gần đây cơ quan chức năng liên tiếp khởi tố, điều tra, xét xử các vụ án liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản và cho vay lãi nặng.

Qua hàng loạt vụ án cho thấy hành vi, thủ đoạn của bên đi vay cứ lặp đi lặp lại, chẳng có gì mới mẻ, cao siêu nhưng vẫn làm nhiều người dính bẫy. Đó là đưa ra mức lãi suất vay rất cao, với nhiều lý do vay tiền nhưng phần lớn là để “đáo hạn ngân hàng”; thời gian đầu bên vay thanh toán đầy đủ, đúng hạn tiền lãi.

Thủ đoạn này đã tạo được lòng tin và đánh trúng huyệt tử là “lòng tham”, nên nhiều người cứ thế đổ tiền vào cho vay. Về sau, việc trả lãi của người vay sẽ không còn như cam kết, khất nợ và tiếp đến là tuyên bố vỡ nợ, bỏ trốn hoặc đến công an đầu thú.

Việc đi vay và cho nhau vay với lãi suất quá cao như các vụ án trên chắc chắn sẽ đổ bể, bởi chỉ có những khả năng sau xảy ra.

Một là bên đi vay có chủ ý lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngay từ đầu.

Hai là với mức lãi suất cao ngất ngưởng (có trường hợp đến 365%/năm, trong khi lãi suất cho vay của ngân hàng dao động trên dưới 10%/năm) thì sẽ không có ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh nào có lợi nhuận “khủng” để chi trả nổi tiền lãi, dẫn đến thua lỗ, phá sản, vỡ nợ.

Trường hợp nếu có lãi cao thì chỉ làm ăn phi pháp, “buôn gian bán lận” nên sớm muộn gì cũng bị phát hiện, xử lý. Vậy nên, hầu hết kết cục của các đối tượng huy động tiền vay với lãi suất rất cao là vỡ nợ, bỏ trốn, đi tù.

Về phía người cho vay cũng có nhiều chuyện “cười ra nước mắt” - đã mất tiền còn bị xử lý hình sự.

Theo Bộ luật Dân sự năm 2015, lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay (trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác).

Còn theo Bộ luật Hình sự năm 2015 thì người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng (hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm) thì phạm tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.

Vì vậy, thực tế trong giao dịch vay tiền, nhiều trường hợp vi phạm quy định, dẫn đến phạm tội. Tìm hiểu qua các vụ án trên địa bàn tỉnh Quảng Trị biết được, nhiều trường hợp do nhận thức pháp luật hạn chế nên người cho vay rơi vào hoàn cảnh trớ trêu, họ vừa “bị hại” vừa “bị cáo” trong cùng vụ án.

Với tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thì họ là người bị hại, nhưng với tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” thì họ lại là bị cáo - thật đáng thương!

Một lãnh đạo Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị cho biết, cũng có trường hợp đối tượng biết về quy định cho vay lãi nặng nhưng lại mơ hồ trong nhận thức pháp luật, dẫn đến phạm tội. Đó là trường hợp có một người đi vay với mức tiền lãi 2.000 đồng/triệu/ngày, sau đó cho vay lại với mức tiền lãi 3.000 đồng/triệu/ngày để hưởng phần chênh lệch tiền lãi.

Vì nghĩ rằng mình chỉ cho vay với mức lãi 1.000 đồng/triệu/ngày, còn 2.000 đồng/triệu/ngày là của người khác nên chưa đến mức phạm tội (theo mức lãi suất quy định hiện tại thì tiền lãi cho vay khoảng dưới 3.000 đồng/ triệu/ngày là chưa phạm tội).

Như phân tích ở trên, việc huy động tiền với mức lãi suất quá cao là dấu hiệu “bất thường” đầu tiên cần nhận biết.

Và chắc chắn rằng, ẩn sau đó là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nên cần tránh xa. Bởi, nếu tham gia cho vay sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường, vừa mất tiền vừa phạm tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.

Nguồn tin: PX03 Tổng hợp:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây