Tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ người dân tham gia chuyển đổi số

Thứ năm - 09/02/2023 20:03
Kết luận của Văn phòng Chính phủ cho thấy, trong năm 2022, các bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành 9/12 chỉ tiêu và 101/107 nhiệm vụ trong Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; hoàn thành 59/255 nhiệm vụ của Đề án 06 và đang tiếp tục triển khai 166 nhiệm vụ.

Kỳ 1: Xuống tận nhà dân để hướng dẫn chuyển đổi số

Có được những kết quả này là sự vào cuộc trách nhiệm, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, từ Trung ương đến địa phương, trong đó không thể thiếu những hạt nhân nòng cốt ở cấp cơ sở đang ngày đêm xuống với dân, kéo người dân hòa vào dòng chảy chuyển đổi số.

Những chiến sĩ xung kích trên môi trường số

Sáng 8/2, cùng với “Tổ cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà” của Công an phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội, chúng tôi có mặt tại nhà văn hóa tổ 37. Trước đó, được sự tuyên truyền của Cảnh sát khu vực (CSKV), khá đông người dân đã có mặt tại nhà văn hóa tham gia tạo lập tài khoản định danh điện tử. Tại đây, Đại úy Nguyễn Đình Chiến, Trung úy Nguyễn Trung Hiếu và đồng chí Vũ Thùy Anh, Bí thư Đoàn phường Trung Hòa cùng các đoàn viên nhanh chóng, tận tình hướng dẫn người dân cách thức tạo lập tài khoản định danh điện tử, cài đặt ứng dụng VNEID và thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường số.

hd2 (2).jpg -0
Các đoàn viên thanh niên Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) và Quận đoàn Hoàn Kiếm hướng dẫn người dân cài đặt VNEID, sử dụng dịch vụ công liên thông, trực tuyến.

Chị Nguyễn Thị Thắng, nhà ở tổ 37 cầm chiếc điện thoại thông minh trên tay, trực tiếp tạo lập tài khoản định danh điện tử, cài đặt ứng dụng VNEID theo hướng dẫn của Trung úy Nguyễn Trung Hiếu. Là tiểu thương buôn bán ở chợ, hàng ngày tiếp xúc với rất nhiều khách hàng nên chị Thắng nhận thấy sự cần thiết của việc giao dịch trên môi trường số, điện tử. Theo chị Thắng, trên thực tế, nhiều người dân đi chợ nhất là các bạn trẻ, sinh viên hiện ít thanh toán tiền mặt mà thông qua dịch vụ chuyển khoản ngân hàng bằng điện thoại.

Để thuận tiện cho công việc bán hàng, chị đã được các đoàn viên của Công an phường Trung Hòa hướng dẫn tạo lập mã QRCode từ tài khoản ngân hàng của mình. Ngay sạp hoa quả của chị, một tấm biển nhỏ in mã QRcode tài khoản ngân hàng được chị treo lên. Khách hàng có thể lựa chọn trả tiền mặt trực tiếp hoặc chuyển khoản. Cùng với đó, những dịch vụ công trực tuyến có liên quan cũng được chị nghiên cứu và thực hiện qua sự trợ giúp, hướng dẫn của các đồng chí Công an, đoàn viên phường.

“Từ khi có mã QRcode tài khoản ngân hàng được tạo lập, tôi thấy việc thanh toán với khách hàng thuận tiện, nhanh chóng. Bản thân tôi cũng ý thức được việc cần thiết phải có tài khoản định danh điện tử, cài đặt app VNEID. Chính vì lẽ đó, những dịch vụ công nào được Bộ Công an và Chính phủ đưa lên có liên quan đến những người dân như chúng tôi, tranh thủ lúc rảnh rỗi tôi đều xem để khi cần có thể thao tác, sử dụng được ngay”- chị Thắng cho biết.

Cũng giống như chị Thắng, hầu hết những người dân có mặt tại nhà văn hóa của tổ 37 đều thích thú với sự thay đổi trong phương thức giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường số. Gia đình anh Trần Văn Năm có một tạp hóa, siêu thị nhỏ và kinh doanh phòng trọ tại nhà. Anh cũng được các đoàn viên, CBCS Công an phường Trung Hòa hướng dẫn trực tiếp cách thức đăng ký học lớp phòng cháy chữa cháy, khai báo lưu trú, tạm trú tạm vắng trên cổng dịch vụ công. Nếu như trước đây anh phải ra tận Công an phường hoặc đăng ký với CSKV, thì nay với tài khoản định danh điện tử, kích hoạt tài khoản trên app VNEID, anh Năm hoàn toàn có thể ngồi ngay tại cửa hàng, siêu thị của mình để đăng ký những thủ tục hành chính, thuận tiện, không mất nhiều thời gian, công sức như trước.

Tại khu vực hồ Hoàn Kiếm, Thượng úy Trần Đức Mạnh, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Công an quận Hoàn Kiếm cùng với các đoàn viên trong đơn vị và Quận đoàn Hoàn Kiếm tổ chức hướng dẫn cho người dân, du khách cách thức tạo lập tài khoản định danh điện tử, cài đặt app VNEID trên máy điện thoại. Thượng úy Trần Đức Mạnh cho biết, tận dụng không gian đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm vào những ngày cuối tuần, anh và các đoàn viên trong đơn vị đã triển khai những tổ tuyên truyền, vận động người dân cài đặt app VNEID, tạo lập tài khoản định danh điện tử.

Ở khu vực này hầu hết là các bạn trẻ, thanh niên, chính vì vậy việc hướng dẫn cho số đối tượng trên khá thuận tiện. Đối với những hộ dân kinh doanh trên địa bàn phố cổ, do thường xuyên tiếp cận, tiếp xúc nhiều với hành khách cả trong nước và quốc tế nên họ cũng khá thuần thục những cách thức sử dụng dịch vụ công trong khai báo tạm trú, tạm vắng, nhất là khai báo lưu trú ở các cơ sở kinh doanh như nhà hàng, khách sạn…

Dẫu vậy, còn phần nhiều người dân vẫn chưa nắm vững cách thức sử dụng dịch vụ công trực tuyến và nhiệm vụ của các đoàn viên như Thượng úy Trần Đức Mạnh là tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn.

Người dân hào hứng, doanh nghiệp chờ mong

Đại tá Hà Mạnh Hùng, Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm cho biết: Hoàn Kiếm được chọn là một trong những đơn vị làm điểm của TP Hà Nội trong việc thực hiện Đề án 06, cải cách thủ tục hành chính. Với vai trò nòng cốt, tiên phong, gương mẫu, Công an quận Hoàn Kiếm đã tham mưu với Công an TP Hà Nội, Quận ủy, UBND quận, đồng thời có nhiều cách làm sáng tạo để phấn đấu hoàn thành những yêu cầu, nhiệm vụ và chỉ tiêu các cấp đặt ra trong thực hiện đề án và chuyển đổi số.

Nhận thức rõ nội dung chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, đó là "lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm" của Đề án 06, của chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, “kéo” người dân hiểu, thực hiện, thích thú với những dịch vụ công trực tuyến, Công an quận Hoàn Kiếm đã triển khai nhiều biện pháp trong đó phát huy vai trò xung kích của đoàn viên thanh niên của đơn vị.

Thượng úy Trần Đức Mạnh cho biết: Nhiệm vụ tuyên truyền về định danh điện tử, hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng ứng dụng VNEID và cách thức đăng ký tài khoản trên dịch vụ công trực tuyến được Ban chỉ huy Công an quận Hoàn Kiếm giao thêm cho các đoàn viên thực hiện. Đoàn Thanh niên của đơn vị đã nhanh chóng thành lập 20 đội hình thanh niên xung kích, trong đó 18 đội hình khối phường với 5 thành viên/đội.

Ở mỗi đội có 2 đoàn viên thanh niên trên địa bàn và 2 đồng chí Công an phường, tập trung phân công những đồng chí là CSKV cùng 2 đồng chí là đoàn viên các đội nghiệp vụ tăng cường thực hiện tuyên truyền, giúp người dân ở cơ sở cài đặt, sử dụng VNEID, đăng ký tài khoản trên dịch vụ công trực tuyến. Hàng ngày, theo lịch phân công, từng đội, tổ đoàn viên xuống nhà dân, khu dân cư, các điểm công cộng tập trung đông người dân để tuyên truyền, hướng dẫn cài đặt, sử dụng VNEID cũng như đăng ký tài khoản định danh, cách thức làm thủ tục dịch vụ công trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công Bộ Công an…

Thống kê, tính tới thời điểm này, với 8 dịch vụ công của Bộ Công an thuộc thẩm quyền Công an quận, Công an phường giải quyết, Công an quận Hoàn Kiếm đã nhận 89.408 hồ sơ, trong đó hồ sơ trực tiếp là 4.328 hồ sơ (5%), hồ sơ qua cổng dịch vụ công là 85.080 hồ sơ (đạt 95%). Những hồ sơ tham gia giải quyết thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công trực tuyến tập trung ở nhóm như đăng ký thường trú, khai báo lưu trú, đăng ký tạm trú… Các đoàn viên đã hướng dẫn cài đặt VNEID, dịch vụ công trực tuyến cho khoảng 11.000 lượt người.

Trung tá Lê Thế Tùng, Phó trưởng Công an quận Cầu Giấy cho biết: Công an quận Cầu Giấy và Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội (QLHC về TTXH), Bộ Công an đã khai trương hệ thống cổng thông tin dịch vụ công tại một số tổ dân phố trên địa bàn quận để “kéo” người dân tham gia mạnh hơn vào chuyển đổi số.

Công an phường đã giao nhiệm vụ cho CSKV cùng ban chỉ đạo tại tổ dân phố tuyên truyền người dân trên địa bàn phường đến các điểm khai báo dịch vụ công để lập tài khoản và đăng ký những thủ tục hành chính qua cổng dịch vụ công trực tuyến. Công an phường phân công lịch trực cho CSKV từ 8h đến 21h hàng ngày tại những điểm khai báo để hướng dẫn người dân truy cập Cổng dịch vụ công quốc gia khi đăng ký thủ tục hành chính.

Sau khi triển khai Tổ công tác Đề án 06 tại tổ dân phố, đã phối hợp cùng CSKV tuyên truyền đến từng hộ dân trên địa bàn về tiện ích của Đề án 06 mang lại để từ đó hướng dẫn người dân đến điểm khai báo dịch vụ công trực tuyến và thực hiện các thủ tục hành chính qua cổng dịch vụ công. Ngoài hình thức tuyên truyền trực tiếp, Tổ công tác Đề án 06 tại tổ dân phố còn đa dạng hóa cách thức tuyên truyền như bằng loa phát thanh, dán thông báo tại bảng tin; trực tiếp tại những cuộc họp để nhân dân và cán bộ, đảng viên hiểu rõ hơn những lợi ích Đề án 06 mang lại.

Tổ công tác Đề án 06 tại tổ dân phố hàng ngày phân công lịch trực, cử thành viên của tổ công tác trực tại các điểm dịch vụ công để tiến hành hướng dẫn người dân các bước thực hiện thủ tục hành chính qua cổng dịch vụ công. Quá trình hướng dẫn, thành viên tổ công tác tuyệt đối tuân thủ các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn, an ninh thông tin của người dân đến khai báo thủ tục hành chính.

Đánh giá của Công an quận Cầu Giấy cho thấy, qua thời gian tiến hành triển khai, người dân vui mừng đón nhận và tích cực ứng dụng, thực hiện các dịch vụ công trực tuyến. Người dân trên địa bàn đã đến các điểm khai báo dịch vụ công trực tuyến để tiến hành khai báo ngày càng đông. Tổ công tác Đề án 06 tại cơ sở đóng vai trò nòng cốt trong việc tuyên truyền hướng dẫn, đôn đốc để nhân dân trong khu dân cư nhận thức được ý nghĩa, tiện ích của việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến, giảm thiểu việc phải trực tiếp lên cơ quan hành chính Nhà nước làm các thủ tục hành chính, tiết kiệm được thời gian và công sức cho người dân.

 

Nguồn tin: PX03 trích nguồn báo CAND online::

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây