Đại biểu Quốc hội là hạt nhân then chốt, quyết định chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội

Chủ nhật - 28/03/2021 22:11
Ngày 26/3/2021, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV thảo luận tại hội trường về: Dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội; các báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội. Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Hoàng Đức Thắng có bài phát biểu tại kỳ họp. Dưới đây là tổng hợp ý kiến phát biểu của Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị HOÀNG ĐỨC THẮNG.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng phát biểu tại hội trường - Ảnh: P.T​
 
Thứ nhất, Quốc hội của ta là Quốc hội của dân, do dân và vì dân. Lấy dân làm gốc, gần dân, hiểu dân, trọng dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân và phục vụ Nhân dân là phương châm yêu cầu trong hoạt động của Quốc hội và mỗi đại biểu Quốc hội. Nhiệm kỳ qua, Quốc hội không chỉ chú trọng nghiên cứu, tiếp thu, đóng góp quý báu của cử tri và Nhân dân, ý kiến, kiến nghị của cử tri để hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động và đáp ứng mong muốn ủy thác của Nhân dân mà còn là hiện thân của sự gần gũi, chia sẻ, động viên, hỗ trợ, cứu trợ, giúp đỡ Nhân dân trong mọi lúc khó khăn, thiên tai, dịch bệnh. Thông qua những hoạt động, các chương trình công tác, thăm hỏi, động viên, cứu trợ, hỗ trợ tết cho người nghèo, nhà ở cho người nghèo, gia đình người có công với cách mạng, các chương trình an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa… đã làm sáng đẹp hình ảnh về Quốc hội, hình ảnh các đoàn đại biểu và các vị đại biểu Quốc hội trước Nhân dân.
 
Đối với Quảng Trị, 5 năm qua, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã chủ động tham gia vào hoạt động xã hội nhân đạo, đền ơn đáp nghĩa, cứu trợ, hỗ trợ đồng bào, làm ấm lòng đồng bào, cán bộ, chiến sĩ trong bão lũ, nơi tuyến đầu chống COVID - 19 mỗi khi Tết đến xuân về. Với nguồn vận động hỗ trợ trên 30 tỉ đồng là rất có ý nghĩa với một địa phương còn nhiều khó khăn như Quảng Trị, nhưng cao quý hơn đó là tấm lòng, tình cảm, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội với Nhân dân. Tôi cũng được biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội của các tỉnh, thành phố trong cả nước, Ủy ban Về các vấn đề xã hội và các Ủy ban, Hội đồng Dân tộc, Quốc hội cũng đã có rất nhiều chương trình, việc làm thiện nguyện mang lại hiệu quả xã hội và ý nghĩa nhân văn, thể hiện tình cảm to lớn, trách nhiệm cao của Quốc hội, đại biểu Quốc hội với Nhân dân. Vì vậy, nội dung này cần được bổ sung, đánh giá trong Báo cáo tổng kết hoạt động của nhiệm kỳ Quốc hội như là một điểm sáng cần được tiếp tục phát huy trong thời gian tới.
 
Thứ hai, đại biểu Quốc hội giữ vai trò trung tâm là hạt nhân then chốt, quyết định chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Vấn đề lựa chọn đại biểu Quốc hội, quản lý đại biểu Quốc hội, đánh giá đại biểu Quốc hội như thế nào là vấn đề lớn để không ngừng nâng cao chất lượng đầu vào, chất lượng hoạt động thực chất của đại biểu Quốc hội.
 
Vấn đề lựa chọn đại biểu Quốc hội, lâu nay về cơ bản việc lựa chọn đại biểu Quốc hội qua nhóm đối tượng, trên cơ sở số lượng, cơ cấu được phân bổ theo kiểu “so bó đũa, chọn cột cờ”. Cách làm này dẫn đến sự thiếu chủ động, phạm vi lựa chọn còn hạn hẹp, thời gian lựa chọn rất ngắn, gấp gáp cùng với nhiều yếu tố khác nên đại biểu Quốc hội được lựa chọn đôi khi chưa thực sự tiêu biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, cá biệt còn lọt vào Quốc hội những người có vi phạm, không đủ tư cách làm đại biểu buộc phải xử lý sau đó. Vì vậy, cần xem xét, đánh giá đầy đủ cách thức tổ chức lựa chọn, giới thiệu đại biểu Quốc hội.
 
Hiện nay để khắc phục những hạn chế này, nên chăng cần sớm xây dựng phương án khung về nhân sự đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ khóa sau, ngay từ đầu nhiệm kỳ hay giữa nhiệm kỳ của khóa trước; không để đến cuối nhiệm kỳ mới xây dựng phương án, mà phải xét phương án nhân sự do Hội đồng Bầu cử Quốc gia quyết định, như luật định hiện nay chỉ làm quy trình lần cuối để thực hiện công tác nhân sự đại biểu Quốc hội mà thôi.
 
Theo đó, trên cơ sở định hướng nhân sự khung để thực hiện quy hoạch tạo nguồn, bồi dưỡng nguồn đại biểu Quốc hội, đặc biệt là đại biểu chuyên trách các cấp. Khi đã có cơ chế tạo nguồn quy hoạch, bồi dưỡng, lựa chọn một cách chủ động, khoa học, chặt chẽ, rộng mở thì chúng ta mới có nguồn để lựa chọn ra những đại biểu Quốc hội thực sự có tâm, có tầm như mong đợi của Nhân dân; khắc phục được những tình trạng là trước kỳ bầu cử Quốc hội phải “đốt đuốc” đi tìm nhân sự.
 
Cần có cơ chế quy hoạch, tạo dựng nguồn đại biểu chuyên trách ngay trong đội ngũ cán bộ, công chức, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố và các vụ thuộc Văn phòng Quốc hội. Bởi đây là nguồn nhân sự thực sự có chất lượng, được trải nghiệm qua thực tiễn hoạt động tham mưu, giúp việc cho hoạt động Quốc hội.
 
Cần xây dựng cơ chế giám sát, đánh giá kết quả hoạt động của mỗi đại biểu Quốc hội, nhất là giám sát việc thực hiện lời hứa, chương trình hành động, vận động bầu cử của đại biểu Quốc hội trước cử tri; có khen, có chê mới tạo được động lực thúc đẩy đại biểu Quốc hội thi đua làm tốt, làm tròn trách nhiệm của mình trước Quốc hội và trước Nhân dân.
 
Thứ ba, mỗi kỳ đại biểu Quốc hội là một lần chuyển giao các thế hệ lãnh đạo Quốc hội. Kế thừa và phát triển các thế hệ lãnh đạo là nguyên tắc, là biện chứng của sự phát triển. Nhìn lại sự chuẩn bị nhân sự lãnh đạo Quốc hội khóa XV này, cử tri và nhiều đại biểu thực sự có băn khoăn, vì sự chuyển giao ít kế thừa này. Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội đều thay mới, chỉ còn 5/18 Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn tái cử. Chúng tôi tin tưởng nhân sự mà kỳ họp này Quốc hội sẽ bầu giữ các vị trí lãnh đạo Quốc hội nhưng chúng tôi cũng chia sẻ rằng, lãnh đạo lĩnh vực Quốc hội mới này khi chưa được trải nghiệm thực tế để điều hành hoạt động Quốc hội chắc chắn sẽ có những khó khăn, vướng mắc, bỡ ngỡ và do đó chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của Quốc hội. Do đó, tôi đề nghị cần rà soát xây dựng chiến lược cán bộ lãnh đạo Quốc hội, các Ủy ban, Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Ban Thường vụ Quốc hội, để chủ động nguồn cán bộ cấp chiến lược này, để bố trí, sắp xếp, bảo đảm tính kế thừa, phát triển vững chắc và vững tâm hơn cho các thế hệ lãnh đạo Quốc hội sau này.
 
Thứ tư, Báo cáo tổng kết của Quốc hội đã đánh giá sâu sắc nhiều lĩnh vực, trong đó có hoạt động giám sát. Tôi cũng xin kiến nghị đại biểu Quốc hội, Quốc hội khóa XV sắp tới cần chú trọng hơn nữa, dành thời gian thỏa đáng cho hoạt động giám sát lĩnh vực tư pháp, bảo đảm rằng hoạt động tư pháp, các cơ quan bảo vệ pháp luật phải tuân thủ đầy đủ pháp luật để pháp luật được thượng tôn, để không xảy ra oan sai, nhằm củng cố niềm tin của Nhân dân vào nền tư pháp của chúng ta. Đề nghị Quốc hội, Ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục tăng cường giám sát, kết luận những vụ việc, những vụ án, trong đó có “vụ gỗ” ở Quảng Trị, mà các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội đã kiến nghị, cử tri và Nhân dân dư luận quan tâm với một tinh thần Quốc hội lắng nghe, Quốc hội thấu hiểu, Quốc hội hành động vì dân.
 
Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa sẽ khép lại chặng đường hoạt động Quốc hội khóa XIV với những dấu ấn nhiệm kỳ tốt đẹp. Rồi đây chia tay nhau, ai người ra đi, ai còn ở lại, nhưng “ngôi nhà chung” Quốc hội khóa XIV này là nơi hội tụ tình cảm và trách nhiệm của mỗi chúng ta sẽ mãi mãi là những kỷ niệm không quên. Kính chúc quý đại biểu lãnh đạo, quý đại biểu Quốc hội sức khỏe, hạnh phúc và thành công trong chặng đường đi tới.

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây