Tại một số tỉnh phía Bắc, trong đó có tỉnh miền núi biên giới Sơn La, trong những năm từ 2011 đến 2013 hoạt động lập cái gọi là "Nhà nước Mông" cũng đã diễn ra ở một số địa bàn vùng cao, biên giới dưới sự "hà hơi, tiếp sức" của các đối tượng nước ngoài.
Chia sẻ với phóng viên, Đại tá Vì Quyền Chứ, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Sơn La cho biết, các đối tượng lợi dụng vào sự thiếu hiểu biết của bà con đồng bào dân tộc Mông ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều hạn chế, tác động trực tiếp, cho bà con xem cả phim, video về các nước tiên tiến để kêu gọi, tác động lên vấn đề tôn giáo, dân tộc… Các đối tượng còn viết các bài xuyên tạc bằng tiếng Mông Latin rồi móc nối, kêu gọi bà con đồng bào Mông ở vùng sâu, vùng xa đi theo cái gọi là "Nhà nước Mông".
Tình hình trên đã tác động trực tiếp đến tư tưởng, tâm lý của một bộ phận đồng bào dân tộc Mông tỉnh Sơn La, đã có một bộ phận bị tác động, ảnh hưởng dẫn đến không yên tâm lao động, sản xuất, có tư tưởng ngóng chờ, ảo tưởng sẽ có "Vua Mông", "Nhà nước Mông" như lời tuyên truyền của các đối tượng ở bên ngoài. Để thực hiện triệt để luận điệu này, các đối tượng tung ra những thông tin mang tính chất hoang đường, lợi dụng việc mê tín dị đoan của một số người như "sắp có họa lớn", "sắp đến ngày tận thế"... để lừa phỉnh, lôi kéo, làm cho đồng bào vừa hoang mang, lo sợ, vừa hy vọng vào sự xuất hiện của một vị cứu tinh nào đó để giúp đồng bào Mông trên khắp các bản làng thoát kiếp nghèo khó, nhưng không cần phải làm lụng vất vả.
Có mặt tại Trại giam Nà Tấu, tỉnh Điện Biên, chúng tôi được gặp Mùa A Kỷ, người Mông ở Bắc Yên và Vàng A Gâu, người Mông ở Phù Yên. Vừa nói, vừa rưng rưng nước mắt, Kỷ kể rằng sau khi đi theo tiếng gọi của cái gọi là "Nhà nước Mông" mới vỡ lẽ giấc mộng đổi đời. Kỷ cho biết: "Vì tôi ở vùng sâu, vùng xa nên chưa hiểu biết pháp luật, đi theo các đối tượng bảo là có một "Nhà nước Mông" không làm cũng có ăn, tôi theo chúng sang tận bên Lào mới vỡ lẽ ra là không có "Nhà nước Mông" nào cả…". Cũng như Mùa A Kỷ, Vàng A Gâu cũng do thiếu hiểu biết nên đã bị các đối tượng xấu dụ dỗ, lôi kéo, đến khi bị cơ quan chức năng bắt giữ mới vỡ lẽ "Tôi đã nhận ra cái sai của mình, tôi sẽ cố gắng cải tạo tốt, để mong ngày trở về địa phương và tuyên truyền cho bà con nhân dân rằng không có cái gọi là "Nhà nước Mông nào cả" - Gâu nói.
Hay ở Tây Nguyên thời gian qua, các đối tượng phản động trong nước và nước ngoài câu kết với nhau, rồi sau đó tung hô với mục đích kêu gọi thành lập cái gọi là "Nhà nước Tin lành Đê ga độc lập". Mục đích của chúng là nhằm ly khai khu vực Tây Nguyên nằm ngoài sự kiểm soát của chính quyền, chia cắt sự toàn vẹn và thống nhất của đất nước cũng như cộng đồng các dân tộc Việt Nam trên dải đất hình chữ S, từ đó lật đổ chính quyền, làm chệch hướng con đường đi lên chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam. Qua phân tích thực tế cái gọi là "Nhà nước Tin lành Đê ga độc lập" thực chất là một tổ chức "ma" mà những kẻ theo FULRO (Mặt trận thống nhất đấu tranh của các dân tộc bị áp bức) lập ra vào cuối năm 1999, do Ksor Kơk cầm đầu. Để thực hiện mưu đồ đen tối, Ksor Kơk xuyên tạc rằng "mỗi dân tộc phải có một lãnh thổ riêng, có phong tục tập quán riêng, đất của người Thượng phải do người Thượng quản lý, sử dụng".
Không chỉ lợi dụng vấn đề dân tộc để chống phá, lừa phỉnh, các đối tượng còn triệt để lợi dụng vấn đề tôn giáo trong vùng đồng bào DTTS để gây mất ổn định, phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong vùng đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn một số tỉnh phía Bắc và Tây Nguyên xuất hiện hoạt động của tà đạo "Giê Sùa", "Bà Cô Dợ". Tà đạo "Giê Sùa", "Bà Cô Dợ" đã xuyên tạc Kinh Thánh để lừa lọc, lôi kéo đồng bào dân tộc Mông tham gia vào hoạt động phức tạp, tập hợp phát triển lực lượng lập "Nhà nước Mông".
Các đối tượng triệt để sử dụng phương thức, thủ đoạn thông qua điện thoại, mạng xã hội, các phần mềm họp trực tuyến như Zoom, Skype,… để chỉ đạo số đối tượng cốt cán ở trong nước tích cực tuyên truyền, lôi kéo người Mông tham gia với mục đích kích động tư tưởng ly khai, tự trị, tập hợp lực lượng lập "Nhà nước Mông". Mặc dù đã được lực lượng chức năng tổ chức tuyên truyền, vận động nhưng hiện nay vẫn còn một bộ phận đồng bào dân tộc Mông bị ảnh hưởng bởi các luận điệu tuyên truyền của các đối tượng cầm đầu bên ngoài, vẫn còn lén lút tin theo và tham gia sinh hoạt tà đạo "Giê Sùa", "Bà Cô Dợ" trên mạng xã hội hoặc ẩn thân vào các tổ chức tôn giáo hợp pháp để chờ thời cơ thuận lợi để tái hoạt động trở lại gây phức tạp về tình hình an ninh, trật tự trong vùng đồng bào dân tộc Mông…
Hoạt động của các tà đạo đã làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số, làm hủy hoại các giá trị văn hóa, tín ngưỡng truyền thống. Nhiều người sau khi tin theo tà đạo "Giê Sùa", "Bà Cô Dợ" đã từ bỏ các hoạt động văn hóa cộng đồng, truyền thống tốt đẹp của dân tộc; tâm lý trong tình trạng hoang mang khi số đối tượng cầm đầu tà đạo "Giê Sùa", "Bà Cô Dợ" thường xuyên tuyên truyền về ngày tận thế, Chúa tái lâm, chiến tranh... Đời sống sinh hoạt hằng ngày của người dân bị xáo trộn, tạo sự hoang tưởng khiến bà con không nghĩ đến việc lao động sản xuất, tập trung phát triển kinh tế gia đình, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Hoạt động của các tà đạo "Giê Sùa", "Bà Cô Dợ" đã gây mâu thuẫn, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, chia rẽ trong từng gia đình, dòng họ, giữa các tôn giáo với nhau, gây cản trở việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tại địa phương. (còn nữa)
Nguồn tin: PX03 Tổng hợp:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn