Hội nghị nhằm đánh giá tình hình thế giới, khu vực và trong nước có liên quan đến công tác nhân quyền của Việt Nam; nhận định những thách thức có thể tác động trực tiếp đến công tác bảo vệ, đấu tranh trên lĩnh vực nhân quyền tại Việt Nam và đề ra các giải pháp trọng tâm thời gian tới.
Hội nghị tập huấn nhân quyền toàn quốc diễn ra trong bối cảnh Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận không chỉ đạt những thành tựu quan trọngtrong bảo đảm, thúc đẩy quyền con người ở trong nước, mà còn có nhiều đóng góp tích cực, có trách nhiệm trên cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (LHQ) nhiệm kỳ 2023-2025.
Mặc dù phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, Việt Nam vẫn luôn nỗ lực không ngừng để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm sinh kế, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, bảo đảm thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các cam kết quốc tế về quyền con người. Việt Nam bảo vệ thành công báo cáo quốc gia thực thi các công ước quốc tế về nhân quyền và Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người của Hội đồng Nhân quyền LHQ (UPR).
Công tác đối thoại nhân quyền với các đối tác quan trọng như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Australia đạt nhiều kết quả tích cực, thực chất, góp phần quan trọng vào thúc đẩy quan hệ với các đối tác, trong đó có việc nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện; đồng thời khẳng định thành công của Việt Nam trong lĩnh vực bảo đảm quyền con người. Trong đối thoại, các nước này đánh giá cao vai trò, đóng góp của Việt Nam trên cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ với những sáng kiến và hoạt động hiệu quả. Việt Nam đã có nhiều sáng kiến phù hợp với ưu tiên của Việt Nam và quan tâm chung của thế giới, như phát triển bền vững, thúc đẩy bình đẳng giới…, qua đó đóng góp vào hiệu quả hoạt động chung của cơ quan quan trọng nhất về quyền con người của LHQ.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Trung tướng Đặng Xuân Hồng, Chánh Văn phòng Thường trực Nhân quyền Chính phủ nhận định, năm 2024, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, đặt ra nhiều thách thức đối với nỗ lực bảo đảm, thúc đẩy quyền con người trên thế giới trong đó có Việt Nam.
Thời gian tới là giai đoạn giữa nhiệm kỳ 2023 - 2025 thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ, Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia sâu hơn trong công tác thúc đẩy đối thoại, hợp tác về nhân quyền, thúc đẩy các cam kết để tái ứng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2026 - 2028. Các thế lực thù địch sẽ tăng cường tuyên truyền xuyên tạc Việt Nam đàn áp nhân quyền nhất là trong các vấn đề dân tộc, tôn giáo, an ninh công nhân, đặc biệt tại các diễn đàn quốc tế nhằm hạ uy tín, hình ảnh Việt Nam, phá hoại nỗ lực khẳng định vị thế của ta trên trường quốc tế. Vì vậy, công tác bảo đảm quyền con người và đấu tranh vô hiệu hóa hoạt động chống phá là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, lâu dài và cần sự tham gia của cả hệ thống chính trị, trong đó Ban Chỉ đạo về Nhân quyền các địa phương đóng vai trò hết sức quan trọng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng khẳng định, hội nghị tập huấn nhân quyền là diễn đàn để chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn và cùng nhau tìm các các giải pháp giải quyết những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc, góp phần đẩy mạnh công tác nhân quyền cấp cơ sở, đưa công tác này ngày càng phát huy hiệu quả thực chất ở từng địa phương trong thời gian tới; giúp cán bộ làm công tác quản lý, tham mưu và thực thi bảo đảm quyền con người thực hiện tốt hơn nhiệm vụ và công tác chuyên môn, đặc biệt trongxây dựng các chủ trương, biện pháp khắc phục tạo sự chuyển biến rõ nét trong thời gian tới.
Tại hội nghị, các báo cáo viên trình bày các chuyên đề: Đẩy mạnh thông tin đối ngoại về quyền con người và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; vấn đề nhân quyền tại các diễn đàn quốc tế và ứng xử của Việt Nam; nhận diện hoạt động lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo chống phá Việt Nam của các thế lực thù địch và công tác đấu tranh của ta; cam kết của Việt Nam trong thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới...
Phát biểu bế mạc hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Nhân quyền đề nghị Ban Chỉ đạo Nhân quyền địa phương cần thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm: tiếp tục tham mưu xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, giảm nghèo, bảo trợ xã hội, an sinh xã hội, chính sách lao động, việc làm; ưu tiên chính sách với nhóm dễ bị tổn thương; bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo,quyền cho người dân tộc thiểu số. chủ động vô hiệu hóa hoạt động lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền của các thế lực thù địch, nhất là hoạt động móc nối trong - ngoài, chỉ đạo chống phá Việt Nam vào các thời điểm diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng; nắm chắc tình hình, xử lý triệt để các vấn đềliên quan tôn giáo, dân tộc, khiếu kiện, an ninh công nhânkhông để tạo thành điểm nóng bị các thế lực thù địch lợi dụng chống phá.
Đẩy mạnh kết nối, tiếp xúc, làm việc với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài nhằm tăng cường thu hút nguồn lực cho phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội. Đề nghị các sở, ban ngành nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong tổ chức triển khai thực hiện công tác nhân quyền trên địa bàn tỉnh, tham mưu kịp thời, có hiệu quả các giải pháp nhằm thúc đẩy hơn nữa công tác bảo đảm quyền con người ở cấp cơ sở.
Nguồn tin: PX03 Tổng hợp:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn