Những hình thức xử lý tội mua bán người

Thứ sáu - 10/03/2023 22:42
Hiện nay, tình trạng mua bán người diễn biến ngày càng phức tạp, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Để góp phần đấu tranh có hiệu quả với tội phạm mua bán người và ngăn chặn tình trạng mua bán người, Bộ Luật Hình sự và Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 đã có những quy định cụ thể về tội danh này, chế tài xử phạt cũng như việc bảo vệ an toàn cho nạn nhân, người thân của nạn nhân mua bán người.

Tội mua bán người được quy định tại Điều 150, Bộ luật Hình sự. Cụ thể, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc bằng thủ đoạn khác thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm: chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác; chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác; tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 8 năm đến 15 năm: có tổ chức; vì động cơ đê hèn; gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% - 45%; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỉ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên, trừ trường hợp quy định tại điểm b, khoản 3 điều này; đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đối với từ 2 đến 5 người; phạm tội 2 lần trở lên.

Đồng thời, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm: có tính chất chuyên nghiệp; đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên; làm nạn nhân chết hoặc tự sát; đối với 6 người trở lên; tái phạm nguy hiểm. Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 đến 100 triệu đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Bộ luật Hình sự cũng quy định đối với “Tội mua bán người dưới 16 tuổi” tại Điều 151. Cụ thể: người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây thì bị phạt tù từ 7 năm đến 12 năm (chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo; chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác; tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người dưới 16 tuổi để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này).

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm: lợi dụng chức vụ, quyền hạn; lợi dụng hoạt động cho nhận con nuôi để phạm tội; đối với từ 2 người đến 5 người; đối với người mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng; đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phạm tội 2 lần trở lên; vì động cơ đê hèn; gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%; gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe nạn nhân mà tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 31% trở lên, trừ trường hợp quy định tại điểm d, khoản 3 điều này.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên; đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; làm nạn nhân chết hoặc tự sát; đối với 6 người trở lên; tái phạm nguy hiểm.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm, phạt quản chế từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Theo quy định tại Điều 30, Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, việc bảo vệ an toàn cho nạn nhân, người thân thích của nạn nhân mua bán người được quy định như sau: bố trí nơi tạm lánh khi nạn nhân, người thân thích của họ có nguy cơ bị xâm hại đến tính mạng, sức khỏe; giữ bí mật về nơi cư trú, nơi làm việc, học tập của nạn nhân và người thân thích của họ; các biện pháp ngăn chặn hành vi xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản của nạn nhân, người thân thích của họ theo quy định của pháp luật; các biện pháp bảo vệ khác theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.

Việc bảo vệ bí mật thông tin về nạn nhân mua bán người được quy định tại Điều 31 Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011: cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm giữ bí mật các thông tin về nạn nhân, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Tòa án xem xét, quyết định việc xét xử kín đối với vụ án mua bán người theo yêu cầu của nạn nhân hoặc người đại diện hợp pháp của nạn nhân.

Nguồn tin: PX03 trích nguồn Báo Quảng Trị online:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây