Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức phiên giải trình việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người

Chủ nhật - 14/05/2023 22:18
Sáng 8/5/2023, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã tổ chức phiên giải trình về việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người.

Đồng chí Lê Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban chủ trì phiên giải trình. Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an dự và phát biểu báo cáo tại phiên giải trình.
 

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu khai mạc.


Về phía các cơ quan chịu trách nhiệm giải trình còn có đại diện lãnh đạo Bộ Quốc phòng; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Tòa án nhân dân tối cao; Bộ Tư pháp; Bộ Thông tin và Truyền thông; Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh Lào Cai, Tây Ninh, Quảng Nam…và đại diện các cơ quan, tổ chức hữu quan.

Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ Luật Phòng, chống mua bán người được Quốc hội khóa XII thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tội phạm mua bán người. Sau hơn 10 năm thi hành, công tác phòng, chống mua bán người đã đạt những kết quả tích cực góp phần kiềm chế tội phạm và vi phạm pháp luật, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, tội phạm mua bán người có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, đối tượng nạn nhân cũng mở rộng. Mặt khác, việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người ở một số địa phương chưa nghiêm. Công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tội phạm mua bán người và công tác giải cứu, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán còn những hạn chế chưa thực sự đáp ứng yêu cầu.

Tình hình trên đặt ra yêu cầu cần có đánh giá chính xác thực trạng chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người trên phạm vi cả nước; thực trạng tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về mua bán người, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức hữu quan và có giải pháp khắc phục, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người trong thời gian tới, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ.
 

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc báo cáo tại phiên giải trình.


Tại phiên giải trình, đại diện lãnh đạo Bộ Công an, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đã có báo cáo nhanh về việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người; đại diện Ủy ban Tư pháp báo cáo tóm tắt ý kiến nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Tư pháp về việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người giai đoạn 2018 – 2022. Theo đó, cả nước đã phát hiện 440 vụ với 876 đối tượng vi phạm pháp luật và tội phạm về mua bán người với 1.240 nạn nhân. Cơ quan điều tra các cấp thuộc Bộ Công an đã tiến hành thụ lý 560 tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố có liên quan đến mua bán người; tiến hành khởi tố 386 vụ/808 bị can. Các cơ quan có thẩm quyền đã giải cứu và phối hợp giải cứu cho 352 nạn nhân; tiếp nhận, xác minh 545 nạn nhân từ nước ngoài trở về. Hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện, nhất là việc tổ chức thực hiện tốt các Hiệp định, thỏa thuận hợp tác song phương về phòng, chống mua bán người giữa Chính phủ Việt Nam với các nước.
 

Toàn cảnh phiên giải trình. 


Tại phiên họp, các đại biểu cũng đã trực tiếp đặt nhiều câu hỏi liên quan đến tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm mua bán người, tình hình triển khai và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; tình hình thực hiện các biện pháp phòng ngừa mua bán người; công tác phát hiện, xử lý tội phạm; công tác giải cứu, tiếp nhận, xác minh và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân mua bán người…

 

Nguồn tin: PX03 trích nguồn Cổng thông tin điện tử Bộ Công an:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây