Những quy định xử lý khi giao xe cho người chưa đủ tuổi lái

Thứ năm - 20/07/2023 04:24
Thời gian qua, trên địa bàn cả nước xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, trong đó có không ít vụ người điều khiển xe mô tô chưa đủ tuổi gây tai nạn khiến dư luận bức xúc. Vậy, những trường hợp giao xe mô tô, ô tô cho người không đủ quy định về tuổi, sức khỏe, không có giấy phép lái xe hoặc đã sử dụng rượu, bia, ma túy sẽ bị xử lý như thế nào?
Những quy định xử lý khi giao xe cho người chưa đủ tuổi lái

Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2018, tại các khoản 9, 10 của Điều 8, các hành vi bị nghiêm cấm gồm: “Điều khiển xe cơ giới không có giấy phép lái xe theo quy định. Điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ không có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, bằng hoặc chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng” và “Giao xe cơ giới, xe máy chuyên dùng cho người không đủ điều kiện để điều khiển xe tham gia giao thông đường bộ”.

Còn về độ tuổi, sức khỏe của người lái xe, tại Điều 60 quy định như sau: người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3; người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg; xe ô tô chở người có 9 chỗ ngồi...

Điều kiện về giấy phép lái xe được căn cứ vào kiểu loại, công suất động cơ, tải trọng và công dụng của xe cơ giới (Điều 59, Luật Giao thông đường bộ 2018). Theo đó, xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên mới cần phải có giấy phép lái xe. Quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia năm 2019 có quy định tại khoản 6 Điều 5 cấm “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.

Vì vậy, việc xử lý hành vi vi phạm đối với trường hợp giao xe mô tô, xe ô tô cho người không đủ quy định về tuổi, sức khỏe, không có giấy phép lái xe hoặc đã sử dụng rượu, bia, ma túy được pháp luật quy định như sau: theo quy định tại điểm đ, khoản 5, Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ: “Giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1, Điều 58, Luật Giao thông đường bộ điều khiển xe tham gia giao thông (bao gồm cả trường hợp người điều khiển phương tiện có giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn sử dụng hoặc đang trong thời gian bị tước quyền sử dụng)” thì bị phạt tiền từ 8 trăm nghìn đồng đến 2 triệu đồng đối với cá nhân, từ 1,6 - 4 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện hành vi vi phạm này.

Theo quy định tại điểm h, khoản 8, Điều 30, Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ: “Giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1, Điều 58; khoản 1, Điều 62, Luật Giao thông đường bộ điều khiển xe tham gia giao thông (bao gồm cả trường hợp người điều khiển phương tiện có giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ nhưng đã hết hạn sử dụng hoặc đang trong thời gian bị tước quyền sử dụng)” thì bị phạt tiền từ 4 - 6 triệu đồng đối với cá nhân, từ 8 - 12 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô thực hiện hành vi vi phạm này.

Trường hợp nếu để xảy ra tai nạn giao thông chết người thì người cho mượn phương tiện bị xử lý “Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ” quy định tại Điều 264, Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Cụ thể như sau: người nào giao cho người mà biết rõ người đó không có giấy phép lái xe hoặc đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy, chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm: làm chết người; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61%-121%; gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: làm chết 2 người; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% - 200%; gây thiệt hại về tài sản từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỉ đồng.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 2 - 7 năm: làm chết 3 người trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỉ đồng trở lên. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10- 30 triệu đồng

 

Nguồn tin: PX03 trích nguồn Báo Quảng Trị online:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây