Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Phòng Cảnh sát quản lý hành chính (QLHC) về TTXH Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, xác định việc cấp tài khoản định danh điện tử và xác thực điện tử là một trong những điều kiện tiên quyết để thực hiện thành công Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06) của Chính phủ, vì thế, đơn vị và Công an các đơn vị, địa phương đã triển khai nhiều tổ công tác đến từng cơ quan, đơn vị, tổ dân phố, khu dân cư để tuyên truyền, hướng dẫn, triển khai việc thu nhận hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử và kích hoạt đăng ký tài khoản VNEID cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân.
Điển hình như Công an thị xã Hương Thuỷ, Đội Cảnh sát QLHC về TTXH và Đoàn Thanh niên Công an thị xã đã phối hợp Công an phường Phú Bài tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cài đặt, kích hoạt đăng ký VNEID cho hơn 200 cán bộ, đảng viên tại lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Đảng và lớp bồi dưỡng đảng viên mới của thị xã Hương Thủy. Để việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân đăng ký VNEID đạt hiệu quả cao, Công an thị xã Hương Thủy thành lập các tổ xung kích gồm các đoàn viên trẻ, có sự am hiểu về công nghệ thông tin trực tiếp đến tận nhà dân để hướng dẫn các bước đăng ký tài khoản. Đồng thời, lồng ghép nội dung tuyên truyền vào các hoạt động văn hóa của người dân trên địa bàn. Bên cạnh đó, đã thường xuyên đăng tải các nội dung liên quan Đề án 06, ứng dụng VNEID trên các trang Fanpage, Zalo của đơn vị để cán bộ, đảng viên, người lao động và người dân quan tâm, tìm hiểu. Tương tự, Ban Chỉ huy Công an TP Huế cũng đã chỉ đạo, đôn đốc các đội nghiệp vụ, Công an các xã, phường đóng trên địa bàn tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu, tham gia đăng ký định danh điện tử, phổ cập danh tính điện tử và được xác thực trên ứng dụng VNEID…
Thượng úy Lê Thị Hà Phương, cán bộ Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế bày tỏ, bám sát kế hoạch, lực lượng đơn vị đã về tận trụ sở của từng cơ quan như Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế, Sở LĐ-TB&XH tỉnh, Bảo hiểm xã hội, Sở Tư pháp, Trung tâm Y tế TP Huế… để thu nhận hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử và xác thực điện tử cho lãnh đạo, cán bộ, viên chức, người lao động. Do có sự chuẩn bị máy móc, phương tiện từ trước và các thủ tục lại đơn giản nên việc xác thực hồ sơ điện tử rất nhanh, thuận tiện.
Ngoài đẩy nhanh tiến độ thu nhận hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử, lực lượng Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế còn tích cực hướng dẫn công dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến về đăng ký thường trú, tạm trú để giảm thiểu thời gian đi lại. Bà Trần Thị Mai Hoa, Trưởng bộ phận lễ tân khách sạn Imperial (TP Huế) chia sẻ, khi sử dụng dịch vụ công để đăng ký cho khách lưu trú tại khách sạn đã mang lại rất nhiều lợi ích, nhanh chóng, đơn giản và rất chính xác. Các cơ sở kinh doanh cũng giảm được nhiều chi phí về văn phòng phẩm, chi phí đi lại cho việc đăng ký lưu trú; giúp cho doanh nghiệp quản lý lượng khách lưu trú tại khách sạn luôn đảm bảo thuận tiện hơn.
Theo thống kê, chỉ tính đến ngày 30/10/2022, tổng số hồ sơ về cư trú do Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế tiếp nhận qua cổng dịch vụ công trực tuyến là 72.118 hồ sơ; đăng ký thường trú 6.836 hồ sơ; đăng ký tạm trú 542 hồ sơ; thông báo lưu trú 64.662 hồ sơ; đã tiếp nhận hơn 100.000 hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử VNEID mức độ 2 phục vụ phát triển công dân số. Thượng tá Hoàng Thị Mai, Trưởng phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cho hay, trong thời gian tới đơn vị sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với Công an các địa phương để tổ chức các điểm lưu động thu nhận hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử, đáp ứng nhu cầu của các cơ quan, tổ chức và công dân trên địa bàn để thực hiện Đề án 06 đúng tiến độ, đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn hệ thống dữ liệu thông tin dân cư.
Nguồn tin: PX03 trích nguồn báo CAND online:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn