Phấn đấu tháng 9/2021 trả toàn bộ CCCD gắn chip cho người dân

Thứ ba - 22/06/2021 02:51
Đây là thông tin được Bộ Công an đưa ra tại buổi họp báo thông báo tình hình, kết quả công tác Công an 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021 diễn ra chiều tối 21/6.

Cuộc họp báo do Trung tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì, với sự tham dự của đại diện lãnh đạo các Cục trực thuộc Bộ và Công an TP Hà Nội, đại diện lãnh đạo Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông...

Cơ sở dữ liệu quốc gia giúp giảm nhiều thủ tục hành chính

Tại họp báo, Đại tá Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đã thông tin về Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Dự án Sản xuất, cấp, quản lý Căn cước công dân (CCCD) của Bộ Công an tính đến thời điểm hiện tại, Theo đó, hiện nay, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư về cơ bản đã hoàn thành nhiệm vụ, sẽ tiến hành kết nối sau ngày mai, 22/6. Đồng thời sẽ kết nối chính thức với tất cả bộ, ban ngành khi có đủ điều kiện về cơ sở dữ liệu chuyên ngành cũng như đủ điều kiện về an ninh, an toàn thông tin, sẽ kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sau ngày 1/7/2021 theo đúng lộ trình mà Bộ Công an đã xây dựng.

 
Đại tá Phạm Công Nguyên thông tin tại họp báo.

Hiện đã có một số bộ, ban, ngành đã kết nối để thực hiện các dịch vụ công cho người dân. Trong quá trình làm, bộ, ban, ngành nào có đủ điều kiện về an ninh, an toàn và đủ cơ sở hạ tầng, đủ điều kiện kết nối thì sẽ kết nối ngay, như: Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng cục Thuế, Bảo hiểm xã hội... đã kết nối. Sau ngày 22/6, dự kiến có 27 đơn vị, địa phương và một số bộ, ban, ngành kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Đại tá Phạm Công Nguyên cho rằng, việc các bộ, ban, ngành kết nối chậm với Cơ  sở dữ liệu quốc gia về dân cư là do nhiều nguyên nhân: Do bộ, ban, ngành chưa có cơ sở dữ liệu chuyên ngành, do chưa có hạ tầng kết nối, đường truyền chưa đảm bảo; hoặc quá trình bảo mật phần mềm để đảm bảo an ninh, an toàn thông tin chưa đủ điều kiện.

"Điều này ảnh hưởng đến các giao dịch của người dân. Tiện ích mà Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đem lại là giảm rất nhiều thủ tục hành chính, giấy tờ khi người dân tham gia các giao dịch dân sự mà có sử dụng các loại giấy tờ yêu cầu xác thực dữ liệu công dân của chính mình. Khi nào các bộ, ngành có các dữ liệu mà kết nối với Dữ liệu quốc gia về dân cư thì sẽ cắt giảm thủ tục hành chính và mang lại nhiều tiện ích cho người dân, dữ liệu được xác thực, chính xác, bảo mật và đồng nhất", Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội phân tích.

Liên quan đến CCCD gắn chíp, Đại tá Phạm Công Nguyên cho biết, Bộ Công an phấn đấu đến 1/7/2021 sẽ in và trả 50 triệu thẻ cho người dân. Nhưng COVID-19 không chỉ ảnh hưởng tới Việt Nam mà còn ảnh hưởng nặng nề các nước trên thế giới, cũng như ảnh hưởng ngành công nghiệp sản xuất chip. Tất cả các nước trên thế giới đều rơi vào tình trạng khủng hoảng chip sử dụng sản xuất CCCD.

Trong đó chip chúng ta sử dụng sản xuất CCCD là chip có cấu trúc kỹ thuật và độ bảo mật cao, phải nhập từ nước ngoài nên khi bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng bởi COVID cũng sẽ làm ảnh hưởng tiến độ chung. "Chúng tôi sẽ cố gắng mức độ tối đa để in thẻ nhanh, trả cho người dân càng sớm càng tốt, tức phấn đấu đến tháng 9/2021 sẽ in trả toàn bộ thẻ cung cấp cho người dân", Đại tá Phạm Công Nguyên nhấn mạnh.

Giá ma túy bị đẩy cao 5-7 lần

Đề cập đến nguyên nhân tình trạng tội phạm ma túy diễn biến phức tạp, Đại tá Ngô Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về ma túy cho biết, để nâng cao hiệu quả phòng, chống ma túy thì 3 trụ cột chính là giảm cung, giảm cầu, giảm sản lượng. Trong đó, về cầu thì ma túy ở nước ta phức tạp do gần "tam giác vàng" - trung tâm sản xuất ma túy lớn nhất của thế giới. Từ Điện Biên của Việt Nam đi đến "tam giác vàng" ở Myanmar chỉ khoảng 500km, đi mất khoảng nửa ngày là đến.

 
Đại tá Ngô Thanh Bình trả lời câu hỏi của phóng viên.

Bên cạnh đó, công cuộc phòng chống ma túy cần sự vào cuộc toàn cầu. Việt Nam nâng cao năng lực nhưng các nước xung quanh điều kiện phát triển kinh tế thấp, năng lực phòng, chống ma túy yếu nên ảnh hưởng đến bức tranh chung của khu vực Đông Nam Á. Tình hình sản lượng ma túy phức tạp, lượng trung chuyển lớn do giá ma túy khu vực "tam giác vàng" tại Việt Nam cũng như các nước tư bản cao hơn từ 5-7 lần. Lợi nhuận đem lại cao khiến tội phạm ma túy ngày càng phát triển.

Về nhu cầu sử dụng ma túy trong nước, ngày càng xuất hiện nhiều loại ma túy tổng hợp. Bên cạnh đó là sự hiểu biết về ma túy của giới trẻ còn hạn chế, từ sử dụng lần đầu tiên, lần thứ hai rồi đến nghiện ma túy. Cùng với đó là sự phát triển nóng về kinh tế xã hội. Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển lớn về công nghệ thông tin, tuy nhiên tội phạm ma túy cũng lợi dụng triệt để không gian mạng để phạm tội.

Bàn về giải pháp, Đại tá Ngô Thanh Bình cho rằng, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, ngành Công an đã kịp thời tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 36, ngày 16/8/2019 về nâng cao, tăng cường hiệu quả công tác phòng chống, kiểm soát ma túy; đồng thời Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), chính thức có hiệu lực ngày 1/1/2021, trong đó giải quyết triệt để những tồn tại, đáp ứng những kỳ vọng của người dân. Hy vọng khi luật đi vào cuộc sống thì tình hình tội phạm về ma túy sẽ giảm.

Nguồn tin: PX03 trích nguồn báo CAND online:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây