EU cần đánh giá khách quan về tình hình nhân quyền, dân chủ ở Việt Nam

Thứ tư - 09/08/2023 02:42
Ngày 31/7/2023 vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) công bố Báo cáo thường niên về nhân quyền và dân chủ trên thế giới năm 2022. Xem xét một cách toàn diện những đánh giá đề cập đến Việt Nam cho thấy nhiều nội dung phiến diện, thiếu khách quan, đồng thời cũng tạo nhận thức lệch lạc về tình hình đất nước, con người Việt Nam, là cái cớ để các thế lực xấu vin vào chống phá.

Đánh giá thiếu khách quan

Với gần 200 trang, báo cáo của EU đánh giá tình hình nhân quyền, dân chủ trên toàn thế giới. Quy kết thiếu thực tiễn tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam, báo cáo này đánh giá rằng, những hạn chế đối với các quyền chính trị và dân sự ở Việt Nam vẫn tiếp tục diễn ra trong năm 2022, đặc biệt là đối với quyền tự do biểu đạt và lập hội. Báo cáo cho rằng, không gian dành cho xã hội dân sự liên tục bị thu hẹp.

EU cần đánh giá khách quan về tình hình nhân quyền, dân chủ ở Việt Nam -0
 

Một số luật và nghị định mới đưa ra các hạn chế hơn nữa trong các lĩnh vực an ninh mạng, hoạt động của các tổ chức phi chính phủ (NGO) và tự do tôn giáo đã được ban hành hoặc đang trong quá trình chuẩn bị. Các nhà báo, blogger và các nhà bảo vệ nhân quyền, cũng như các nhà hoạt động môi trường tiếp tục bị bắt và bị truy tố với những “cáo buộc mơ hồ” về tội chống lại an ninh quốc gia hoặc trốn thuế và bị kết án tù dài hạn trong các phiên tòa có ít hoặc không có sự tiếp cận của công chúng.

Báo cáo cũng cáo buộc, các phiên xử không công bằng, bao gồm cả việc từ chối đại diện pháp lý; các điều kiện hành chính và vật chất khắc nghiệt trong trại giam; vẫn còn những lo ngại về quyền của các nhóm thiểu số tôn giáo và việc quản lý quyền sử dụng đất. Báo cáo quy kết tự do truyền thông vẫn còn bị hạn chế nghiêm trọng: Báo in, phát thanh - truyền hình, truyền thông trực tuyến và điện tử bị kiểm soát chặt chẽ; quyền truy cập vào các trang web độc lập về chính trị bị chặn và các công ty truyền thông xã hội buộc phải đóng tài khoản hoặc xóa nội dung chỉ trích chính phủ…

Ngay sau khi bản báo cáo này được công bố, “té nước theo mưa”, Đài Á châu tự do (RFA) cắt ghép nhiều nội dung, liên tục tuyên truyền xuyên tạc tình hình nhân quyền, dân chủ ở Việt Nam. Phó Giám đốc Phân ban châu Á của HRW, ông Phil Robertson cũng mượn gió bẻ măng: “Chính phủ Việt Nam sử dụng đi sử dụng lại điều 117 để bịt miệng bất cứ công dân nào dám sử dụng mạng Internet để chỉ trích chính phủ hoặc lên tiếng ủng hộ dân chủ, nhân quyền”! 

Đặc biệt, các thế lực thù địch, tổ chức phản động được dịp “theo đóm ăn tàn” xuyên tạc, suy diễn, không ngừng phát tán, chia sẻ thông tin tiêu cực trên không gian mạng để nói xấu, đả phá tình hình quyền con người, chế độ xã hội, bôi nhọ Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.

Nhận xét về những báo cáo thường niên kiểu này của EU, ông Tore Vincents Olsen - là phó giáo sư về lý thuyết chính trị tại Khoa Khoa học Chính trị, Đại học Aarhus, Đan Mạch cho rằng, các giá trị của EU về tôn trọng nhân phẩm, tự do, dân chủ, bình đẳng, pháp quyền và tôn trọng nhân quyền còn nhiều tranh cãi.

Ông cũng khẳng định, có nhiều chỉ trích đánh giá còn thiếu cơ sở thực tiễn, nhiều nhà quan sát cũng đồng ý rằng các giá trị, trích dẫn quá chung chung để làm cơ sở rút ra đánh giá quan trọng. Hay ngay cả Trợ lý chương trình đánh giá thường niên này của EU, bà Elenna Ventura cũng thừa nhận, khái niệm này (dân chủ) thiếu một định nghĩa chắc chắn và đánh giá phản ảnh thiếu linh hoạt, phân tích xem xét các khía cạnh còn thiếu định lượng và định tính liên quan đến việc củng cố thực tiễn, chuẩn mực và thể chế dân chủ.

Bảo vệ, nỗ lực thúc đẩy giá trị phổ quát về quyền con người

Có thể thấy, Báo cáo thường niên về nhân quyền và dân chủ trên thế giới năm 2022, phần đề cập đến Việt Nam là đánh giá phiến diện, thiếu khách quan và cơ sở thực tiễn, tạo nhận thức lệch lạc hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trong mắt cộng đồng quốc tế. Trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cho thấy vấn đề dân chủ và quyền con người luôn được Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam nỗ lực bảo vệ, thúc đẩy giá trị phổ quát về con người ở những vấn đề sau đây:

Thứ nhất, trên phương diện chính trị, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia ký kết, nhất quán quan điểm về bảo đảm và thúc đẩy quyền con người đã được Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra tại nhiều văn kiện, hoàn thiện, từng bước phát triển, hiện thực hóa trong đời sống xã hội: “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân” (Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011); hay “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu” (Văn kiện Đại hội XIII).

Sự hoàn thiện, phát triển, tiến bộ này không chỉ về lý luận mà còn dựa trên tổng kết từ thực tiễn cả chiều dài lịch sử dựng nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc. Với quan điểm, mục tiêu đó, trong các chương trình, chính sách phát triển đều phải hướng trọng tâm vào chủ thể là người dân - nhân dân; lấy quyền và lợi ích chính đáng, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu cao nhất trong hoạt động của chế độ xã hội, Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị.

Thứ hai, dưới góc độ pháp lý, những năm qua Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc hoàn thiện pháp luật nói chung, pháp luật về quyền con người nói riêng, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Nội địa hóa ở mức cao nhất những giá trị phổ quát về quyền con người của Công ước quốc tế và các văn bản pháp luật quốc tế khác về quyền con người.

Chỉ tính từ năm 2019 đến nay, Quốc hội Việt Nam đã thông qua 36 luật, trong đó có nhiều luật liên quan đến quyền con người, quyền cơ bản của công dân như Bộ luật Lao động, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật Cư trú…Việt Nam đã đưa nhiệm vụ này vào Kế hoạch tổng thể cấp quốc gia về việc tăng cường thực thi hiệu quả Công ước quyền dân sự và chính trị (ICCPR) và các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền với thời hạn thực hiện là năm 2022…

Triển khai nhiều biện pháp để thực hiện khuyến nghị về các quy định của Bộ luật Hình sự như: Hoàn thiện pháp luật hình sự về hình phạt tử hình; tư pháp hình sự; phòng chống bạo lực giới và mua bán người đã được đưa vào Kế hoạch tổng thể cấp quốc gia về việc tăng cường thực thi hiệu quả của Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị (ICCPR).

Đặc biệt, Việt Nam đã gia nhập 25 công ước của ILO, liên quan đến các lĩnh vực thương lượng tập thể, phòng chống phân biệt đối xử, lao động trẻ em và lao động cưỡng bức. Những nỗ lực, thành tựu quan trọng của Việt Nam trong việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thể chế về quyền con người minh chứng mạnh mẽ thực hiện đảm quyền con người nói chung.

Thứ ba, về thực tiễn, kết quả trong việc thực thi những chủ trương, đường lối, pháp luật về quyền con người còn được thể hiện thông qua việc triển khai nhiều chương trình kinh tế - xã hội lớn nhằm bảo đảm và nâng cao chất lượng thụ hưởng các quyền con người của mọi người dân.

Đến nay, Việt Nam không chỉ là một trong sáu quốc gia thành viên Liên hợp quốc đã hoàn thành phần lớn các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ mà còn được xem là tấm gương điển hình của cộng đồng quốc tế trong thực hiện mục tiêu phát triển bao trùm, không ai bị bỏ lại phía sau của Liên hợp quốc.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, chiến tranh xung đột dân tộc, sắc tộc, tình hình thiên tai, bão lụt gây thiệt hại nặng nề trên toàn thế giới và Việt Nam, với sự nỗ lực, cố gắng vượt bậc, Việt Nam đạt được những thành tựu ấn tượng. Trong khi thế giới suy thoái, tăng trưởng âm, kinh tế Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng 8,02% trong năm 2022, là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới.

Trang liberationnews.org (Mỹ) kết luận: Thành công của Việt Nam trong phòng, chống dịch COVID-19 “không đơn giản là một phép màu”, mà đó là “kết quả của một chính phủ xã hội chủ nghĩa đặt người dân lên trên lợi ích kinh tế”.

Đó là mô hình “để không ai bị bỏ lại phía sau”.Việt Nam với chế độ chính trị ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững, con người thân thiện, nhân văn, yêu chuộng hòa bình, đã vinh dự lọt vào tốp là những quốc gia đáng sống và môi trường đầu tư, làm việc. Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam khẳng định: “Việt Nam đã đạt được tăng trưởng đáng kể trong phát triển con người, có những bước tiến bộ trong thực hiện chính sách chăm lo phát triển con người toàn diện”.

Trái ngược với những đánh giá tiêu cực mà báo cáo của EU đưa ra, thành tựu về quyền con người của Việt Nam được Liên hợp quốc thừa nhận. Việc trúng cử, trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền, cơ quan quan trọng hàng đầu của Liên hợp quốc trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người thể hiện sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm ngày càng tốt quyền của người dân.

Những thành tựu đó là minh chứng sinh động của cả một quá trình nỗ lực, phấn đấu bền bỉ, không mệt mỏi của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trên tất cả các lĩnh vực, khẳng định luôn tôn trọng, bảo vệ thúc đẩy dân chủ, quyền con người.

 

Nguồn tin: PX03 trích nguồn báo CAND online:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây