Cảnh giác trước luận điệu “tuyên truyền đen”, bôi nhọ, chống phá lực lượng CAND
Luận điệu “bẻ lái”, xuyên tạc về đường lối đối ngoại của Việt Nam
Việc Chủ tịch nước ân giảm hình phạt tử hình xuống tù chung thân cho các bị án thể hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng, Nhà nước ta đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, mở ra cho họ con đường được sống, ăn năn hối cải, phục thiện, cải tạo để có cơ hội trở về với gia đình, cộng đồng, xã hội. Tuy nhiên, trên các trang thông tin phản động ở nước ngoài lại cho rằng hoạt động trên là “tuỳ tiện” và chỉ nhằm “lấy lòng” trước khi Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tổ chức phiên kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam vào tháng 4/2024.
Những luận điệu xuyên tạc, vu cáo quen thuộc
Sau khi Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ký quyết định ân giảm hình
phạt tử hình xuống tù chung thân cho 18 bị án, các trang tin của các tổ chức phản động như Việt Tân, RFA, FRI, VOA... đồng loạt đăng tải bài viết với nội dung xuyên tạc chính sách giảm án của Việt Nam với những luận điệu vu cáo, cho rằng chính quyền Việt Nam phân biệt đối xử, bắt và giam giữ tùy tiện, vi phạm các bảo đảm về xét xử công bằng, nhất là trong giai đoạn Việt Nam đang chuẩn bị bước vào phiên kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.
Các luận điệu xuyên tạc, vu cáo quen thuộc có thể thấy như: Việt Nam đang giam giữ nhiều “tù nhân chính trị”, “tù nhân lương tâm”, Việt Nam đang duy trì chế độ nhà tù bất công, ngược đãi, tra tấn tù nhân và đàn áp bằng bạo lực… Thậm chí, nhiều tổ chức mang danh nhân quyền như tổ chức Ân xá quốc tế (Amnesty International - viết tắt là AI) năm 2021 còn đưa ra báo cáo về tình hình án tử hình trên toàn thế giới năm 2021, trong đó xếp Việt Nam vào nhóm có tỷ lệ thi hành án tử hình cao nhất. Báo cáo dẫn ra những thông tin về số lượng án tử hình cũng như số tử tù hiện đang chờ thi hành án và cho rằng, con số thực tế có thể còn cao hơn thống kê. Từ đó, vu cáo Việt Nam đang áp dụng "tiêu chuẩn kép" đối với các bị cáo, bị án nguyên là quan chức trong các vụ án kinh tế, hối lộ và có sự khác biệt so với bị cáo, bị án là người dân bình thường; suy diễn “cứ nộp tiền là miễn án tử hình”, “công lý không dành cho quan chức”; “việc tuyên án tử hình hay bỏ án tử hình ở Việt Nam tùy tiện”; “án tử hình là sự vi phạm nhân quyền trắng trợn, thiếu nhân đạo”… Họ vu cáo pháp luật Việt Nam không phù hợp với luật nhân quyền quốc tế; đồng thời đòi thả tự do cho số đối tượng phạm tội chống phá Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đang chấp hành án phạt tù. Trang VOA tiếng Việt giật tít “Việt Nam ân giảm án tử hình cho 18 tử tù trước kỳ rà soát UPR 2024”, trong đó phỏng vấn Trần Thị Nga - một đối tượng từng phạm tội ở Việt Nam hiện đã bị trục xuất sang Mỹ cùng với một vài cái tên khác, nội dung vu cáo chính sách nhân đạo trong ân giảm án tử hình của Đảng, Nhà nước ta.
Cần thấy rằng, trong một số vụ án, sau khi toà tuyên án tử hình, Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm của tử tù thì cũng những tổ chức, cá nhân chống đối trên lại chỉ trích rằng, Việt Nam “thích xử tử”, không nhân văn, nhân đạo, họ viết bài đòi bị án này, bị án kia cần phải được giảm xuống chung thân. Nay, khi Chủ tịch nước ân giảm đối với một số tử tù thì các đối tượng lại “quay xe”, tố ngược! Mục đích mà các tổ chức trên hướng đến là suy diễn, vu cáo nhằm gây sự hoài nghi, hiểu sai về việc thực thi pháp luật và công tác tư pháp, kích động chống đối, gây mất ổn định an ninh, trật tự; hạ thấp uy tín, vị thế của Việt Nam, làm mất niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.
Cần khẳng định rằng, những đối tượng phạm tội đều phải bị xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự. Pháp luật Việt Nam được xây dựng phù hợp quy định của pháp luật quốc tế và yêu cầu thực tiễn nhằm bảo đảm cho sự phát triển tự do của nhân dân, góp phần xây dựng và duy trì xã hội trật tự, ổn định, ngăn chặn các tổ chức và cá nhân lợi dụng quyền tự do, dân chủ để xâm phạm quyền con người. Việc thực hiện ân giảm án tử hình và đặc xá, giảm án, tha tù trước thời hạn là chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước và thể hiện truyền thống nhân đạo của dân tộc Việt Nam đối với những người phạm tội, khuyến khích họ hối cải, rèn luyện trở thành người có ích cho xã hội. Đây là việc thực hiện theo quy định của luật pháp vào các dịp ngày lễ lớn của đất nước và các đợt rà soát cụ thể, không phải Việt Nam thực hiện ân giảm án tử hình nhằm “lấy lòng” các nước thành viên trước khi Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tổ chức phiên Kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam như luận điệu các thế lực xấu nhắm vào chỉ trích, vu cáo. Trước đó, tháng 8/2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng đã có quyết định ân giảm từ hình phạt tử hình xuống tù chung thân cho 11 bị án. Trong năm 2022, Chủ tịch nước cũng 2 lần ra quyết định ân giảm từ án tử hình xuống chung thân cho 31 trường hợp, gồm 4 bị án là người nước ngoài.
Một chính sách nhân đạo đặc biệt của Đảng, Nhà nước ta
Việt Nam là một trong số các nước vẫn áp dụng hình phạt cao nhất là tử hình đối với một số tội danh nhằm trừng trị kẻ phạm tội, loại trừ mối nguy hiểm cho xã hội, người dân và đáp ứng yêu cầu răn đe, phòng, chống tội phạm. Tuy nhiên, mục đích chính của các hình phạt chính là giáo dục, cải tạo, do vậy, bên cạnh khung pháp lý đối với mỗi tội phạm, pháp luật Việt Nam còn ban hành khung giảm nhẹ hình phạt, trong đó có việc giảm án từ tử hình xuống phạt tù chung thân. Từ 1985 đến nay, BLHS Việt Nam qua 4 lần bổ sung, sửa đổi, thay thế, trong đó điểm dễ nhận thấy là số lượng tội danh bị áp dụng hình phạt tử hình đã giảm dần. Nếu như BLHS 1985, hình phạt tử hình được áp dụng với 44/218 tội (20,18%) thì đến BLHS 1999, tội danh áp dụng hình phạt này đã giảm mạnh xuống còn 29/263 tội (11,02%); con số đó tiếp tục được cải thiện trong BLHS 1999 (sửa đổi 2009) với 22/272 tội (8%). Tại BLHS 2015 (sửa đổi 2017), hình phạt tử hình chỉ còn áp dụng đối với 18/314 tội (5,7%). Đồng thời, pháp luật hình sự Việt Nam còn quy định rõ không áp dụng hình phạt tử hình với người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người đủ 75 tuổi trở lên…
Thực tế đó khẳng định Việt Nam đã và đang thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ đối với các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam tham gia, trong đó có nghĩa vụ nội luật hóa, xây dựng cơ chế pháp luật quốc gia phù hợp với các quy định của công ước; thực thi các biện pháp lập pháp, hành pháp và tư pháp để bảo đảm quyền con người; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nội dung công ước; soạn thảo và đệ trình báo cáo quốc gia định kỳ về việc thực hiện công ước; hợp tác quốc tế trong việc thực hiện công ước; xây dựng các chương trình quốc gia để thực hiện những cam kết quốc tế về đảm bảo quyền con người. Những quy định trên là hoàn toàn phù hợp với tinh thần của các hiệp định và văn kiện quốc tế khác như Công ước về quyền trẻ em (CRC) và các quy định bảo đảm nhằm bảo vệ quyền của những người đối mặt với án tử hình (ban hành theo Nghị quyết 1984/50 của ECOSOC của LHQ vào năm 1984). Những con số trên là minh chứng rõ nét nhất cho sự nỗ lực mạnh mẽ về tư duy, nhận thức, xây dựng và thực tiễn thi hành, áp dụng quy định pháp luật của Việt Nam trong lộ trình hạn chế hình phạt tử hình, góp phần khẳng định những giá trị nhân quyền mà Việt Nam đang theo đuổi. Đồng thời, khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là bảo vệ và thúc đẩy quyền con người một cách công bằng, bình đẳng cho tất cả mọi công dân, kể cả những người đang chấp hành hình phạt tù.
Những kết quả trên của Việt Nam trong việc đảm bảo và thực thi quyền con người đã được nhiều tổ chức quốc tế, chính khách và nguyên thủ các nước ghi nhận, đánh giá cao, là cơ sở quan trọng để Việt Nam được tín nhiệm, giao phó các cương vị quan trọng trên trường quốc tế như thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch luân phiên ASEAN và nhiều tổ chức quan trọng khác. Trong phiên làm việc ngày 25/1/2019, nhóm làm việc về rà soát định kỳ phổ quát chu kỳ III của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã đồng thuận thông qua Báo cáo về kết quả rà soát của Việt Nam và khẳng định, Việt Nam luôn đảm bảo những quyền tự do cơ bản của công dân, phù hợp với các Công ước quốc tế về quyền con người. Sự đảm bảo đó được thể hiện trong hiến pháp, pháp luật và bảo đảm trên thực tế ở Việt Nam.
Việc Chủ tịch nước thực hiện ân giảm án tử hình và đặc xá, giảm án, tha tù trước thời hạn vào dịp Quốc khánh hay Tết Nguyên đán là chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước và thể hiện truyền thống nhân đạo của dân tộc Việt Nam đối với những người phạm tội. Bên cạnh đó, việc công khai, minh bạch, dân chủ trong thực hiện các trình tự thủ tục xét đặc xá, giảm án, tha tù trước thời hạn; thông tin đầy đủ cho các cơ quan báo chí trong nước, quốc tế và tổ chức các chuyến thăm, khảo sát tại các trại giam cho các tổ chức nhân quyền quốc tế đã thể hiện rõ chính sách ưu tiên bảo đảm và thúc đẩy quyền con người của Đảng và Nhà nước ta. Đồng thời, đó cũng là minh chứng rõ nét bác bỏ các luận điệu của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng công tác ân giảm án tử hình, chính sách đặc xá, giảm án, tha tù để vu cáo, xuyên tạc tình hình nhân quyền ở Việt Nam.