Hoàn thiện pháp lý, đầu tư hạ tầng, nâng cao bảo mật

Thứ hai - 26/06/2023 04:25
Vai trò của người đứng đầu trong ngành Ngân hàng (NH) là yếu tố then chốt, đặc biệt quan trọng để tạo lập, lan tỏa những giá trị lớn về chuyển đổi số. Dù đã và đang đạt những kết quả đáng khích lệ, nhưng để có thể giữ ngọn cờ tiên phong trong chuyển đổi số, ngành NH cần có những hạt nhân mang tinh thần thử nghiệm, trải nghiệm trên nhiều nội dung trong đó có yếu tố pháp lý và cơ sở hạ tầng…
Hoàn thiện pháp lý, đầu tư hạ tầng, nâng cao bảo mật

Đầu tàu chuyển đổi số của cả nước

Đánh giá về công tác chuyển đổi số của ngành NH, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: NHNN là một điểm sáng về chuyển đổi số, đứng thứ 4 về xếp hạng chuyển đổi số quốc gia, thứ 1 về an toàn thông tin; 99% hồ sơ dịch vụ công được xử lý trực tuyến hoàn chỉnh; trên 50% các nhiệm vụ được giao trong chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 đã được NHNN hoàn thành. Đặc biệt, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã thu được kết quả bước đầu khả quan.

Hoàn thiện pháp lý, đầu tư hạ tầng, nâng cao bảo mật (bài cuối) -0
Bảo mật thông tin, an toàn dữ liệu là nhiệm vụ quan trọng của ngân hàng số.

“Ngành NH đi tiên phong chuyển đổi số sẽ kéo theo cả nước chuyển đổi số. Ngành NH có 2 loại tài sản lớn, một loại đang được sử dụng rất hiệu quả là tiền và một loại chưa được khai thác hết công suất là dữ liệu. Dữ liệu là một loại tài nguyên mới, có người gọi là “dầu mỏ” có người gọi là “đầu vào mới của sản xuất”, tương tự như đất. NH là ngành có nhiều dữ liệu nhất, dữ liệu này đang được tăng lên từng ngày. Ngành NH “canh tác” trên mảnh đất mới này thì sẽ tạo ra rất nhiều giá trị mới cho đất nước. Dữ liệu được đánh thức cũng giống như con hổ được đánh thức sẽ tạo ra những đột phá cho ngành NH, trở thành ngành đi đầu trong phân tích dữ liệu lớn”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định.

Tuy nhiên, hiện nay công cuộc chuyển đổi số của ngành NH cần phải có một số bước đột phá, bắt đầu từ thế chế và đầu tư công nghệ. Bên cạnh những lợi ích không thể phủ nhận của các dịch vụ tài chính số, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho rằng, người tiêu dùng cũng đã và đang phải đối mặt với nhiều rủi ro, đặc biệt là liên quan tới quyền riêng tư và mất an toàn dữ liệu. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của người tiêu dùng vào hệ thống tài chính và hoạt động đổi mới công nghệ. Thực tế trong thời gian vừa qua, những “lùm xùm” xung quanh việc NH số bị lỗi giao dịch, bị kẻ gian lợi dụng hack tài khoản, lừa đảo chiếm đoạt tiền… gây nên nhiều nghi ngại cho khách hàng.

Bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (NHNN) thông tin, người tiêu dùng đang đối mặt với một số rủi ro như về gian lận số, công nghệ, bảo mật, đạo đức, bán hàng… Do vậy, cần thiết phải có những giải pháp phù hợp để thúc đẩy thị trường dịch vụ tài chính số nhưng vẫn đảm bảo được an toàn, lợi ích của người tiêu dùng, tạo dựng và giữ được niềm tin của khách hàng sử dụng dịch vụ.

Với vai trò là cơ quan quản lý, NHNN cũng đang tích cực triển khai nhiều giải pháp, hành lang pháp lý nhằm tạo điều kiện thúc đẩy chuyển đổi số của các nhà băng, đồng thời tăng cường bảo vệ người dùng tài chính số. Song song với đó, về hạ tầng, hệ thống thanh toán điện tử liên NH, hoạt động an toàn, hiệu quả, thông suốt, đáp ứng nhu cầu thanh toán liên NH trong toàn quốc. NHNN chỉ đạo xây dựng đưa vào vận hành hệ thống bù trừ điện tử phục vụ các giao dịch bán lẻ (ACH) với khả năng thanh toán thời gian thực, hoạt động liên tục 24/7, xử lý giao dịch đa kênh có khả năng tích hợp, kết nối với các ngành, lĩnh vực khác để cung ứng các sản phẩm, dịch vụ NH trên nền tảng số. Công tác đảm bảo an ninh an toàn hệ thống công nghệ thông tin được chú trọng.

Ông Nguyễn Trung Anh, Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, về đảm bảo an ninh, an toàn, NHNN được xếp hạng cao nhất về mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin và đảm bảo an toàn thông tin nhờ nhiều giải pháp quyết liệt như rà soát, ban hành các văn bản pháp luật, văn bản chỉ đạo và kiểm tra công tác đảm bảo an toàn hệ thống thông tin và phòng, chống tội phạm mạng tại tổ chức tín dụng; thành lập mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin ngành NH và tổ chức các hoạt động ứng cứu sự cố. NHNN cũng tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống tội phạm công nghệ cao, tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về an toàn thông tin cho người dân khi sử dụng các dịch vụ NH điện tử.

Tương tự, ông Phạm Anh Tuấn - Vụ Thanh toán (NHNN) cho rằng, để tiếp tục gặt hái được thành công trong quá trình chuyển đổi số, ngành NH sẽ phải khẩn trương hoàn thiện thể chế từ luật, nghị định và thông tư, hoàn thiện hành lang pháp lý trong công tác chuyển đổi số. Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành đóng góp, tham gia hoàn thiện các dự thảo luật liên quan như dự thảo Luật về giao dịch điện tử, căn cước công dân,... Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an triển khai thắng lợi kế hoạch khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để bứt tốc các sản phẩm, dịch vụ NH chính xác, an toàn và có hàm lượng công nghệ cao.

Đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn dữ liệu

Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ Công an, để có thể thúc đẩy thị trường tài chính số hiệu quả, cơ quan quản lý cần chú trọng hoàn thiện pháp lý, quy định rõ các tiêu chuẩn sản phẩm, dịch vụ tài chính; nghĩa vụ của các chủ thể cung cấp sản phẩm dịch vụ tài chính cho thị trường. Đặc biệt, cần tăng cường đầu tư công nghệ, đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn dữ liệu, bảo mật thông tin và dữ liệu cá nhân của khách hàng; xây dựng quy trình và cơ chế giải quyết tranh chấp… hướng theo tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế.

Bên cạnh đó, tạo lập thị trường cung ứng dịch vụ tài chính số lành mạnh, minh bạch, hỗ trợ bảo vệ người tiêu dùng tài chính; hoàn thiện các cơ chế bảo vệ người tiêu dùng như cơ chế giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo.

Ngoài ra, cần hoàn thiện cơ sở hạ tầng tài chính và kỹ thuật số. Trong đó, chú trọng tạo dựng một hạ tầng tài chính thiết lập chung các tiêu chuẩn, quy tắc và thủ tục giảm thiểu rủi ro cho nhà cung cấp và người dùng. Song song với đó là hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ điện thoại di động cơ bản; quyền truy cập vào các dịch vụ dữ liệu để cải thiện trải nghiệm người dùng đối với các dịch vụ tài chính số…

Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ Công tác Đề án 06 của Chính phủ đánh giá: “Về đảm bảo an toàn dữ liệu, chúng ta không có bước đi đầu tiên thì sẽ không có bước đi tiếp theo, cho nên các bước đi đã rất thận trọng thì chúng ta cũng nên mạnh bạo để tiếp cận và triển khai. Ban chỉ đạo Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo trực tiếp, Phó Thủ tướng tham gia, Tổ công tác có những đồng chí tại các vụ, cục… Chúng ta đã có những định hướng cũng như hướng dẫn cụ thể để đảm bảo thực hiện an toàn và phát triển được trong tương lai. Tôi cho rằng việc ban hành các văn bản thể chế hóa của ngành NH một cách đồng bộ là việc rất là quan trọng. Nếu chúng ta không ban hành kịp thời thì sẽ không đảm bảo được các hành động để thực hiện theo các quy chế quy định mà NH ban hành. Việc đã và đang triển khai mạnh mẽ về thể chế cũng cần sớm công bố để xã hội và người dân được biết. Bộ Công an, Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ cũng như các bộ, ngành khác sẽ phối hợp, hỗ trợ tối đa giúp ngành NH phát triển thành công trong chuyển đổi số, tạo lập nên những giá trị mới phục vụ hiệu quả hơn người dân, doanh nghiệp và chính ngành NH”.

Đánh giá cao nỗ lực và hiệu quả của ngành NH trong quá trình chuyển đổi số song Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng ngành NH cần tiếp tục chủ động nắm bắt nhu cầu thực tiễn của người dân, doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng để xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp lý phù hợp với thực tiễn và bối cảnh chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho ứng dụng công nghệ số vào hoạt động kinh doanh, cung ứng sản phẩm, dịch vụ NH để nâng cao hiệu quả hoạt động và tạo sự hài lòng, gắn bó của khách hàng; trong đó, tập trung rà soát, xây dựng, sửa đổi các văn bản luật của ngành: Luật các tổ chức tín dụng, Luật Bảo hiểm tiền gửi, Luật Ngân hàng Nhà nước,... tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định thanh toán không dùng tiền mặt, Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực NH… Đồng thời, chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của NHNN, thúc đẩy triển khai Đề án 06, chuyển đổi số.

Đối với hạ tầng số, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu chuyển đổi số phải được thực hiện một cách tổng thể để bảo đảm hiệu quả, tránh lãnh phí nguồn lực. Đặc biệt lưu ý đến vấn đề bảo mật, an ninh, an toàn, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhìn nhận xu hướng toàn cầu hoá, chuyển đổi số cũng sẽ đi liền với rủi ro về tội phạm công nghệ cao, an ninh tiền tệ ngày càng gia tăng với các thủ đoạn tinh vi, diễn biến phức tạp.

Vì vậy, công tác bảo đảm an ninh, an toàn cho hoạt động NH cần được quan tâm chú trọng, cần có sự cân bằng hợp lý giữa đầu tư phát triển sản phẩm, dịch vụ với đầu tư cho công tác bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin; giữa trải nghiệm, thuận tiện khách hàng với bảo mật dữ liệu, bảo vệ khách hàng khi giao dịch trên kênh số. NHNN cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông để bảo đảm an toàn, an ninh, ngăn chặn kịp thời các đối tượng tấn công có chủ đích vào hệ thống NH…

Bảo mật thông tin, an toàn dữ liệu là nhiệm vụ quan trọng của ngân hàng số.

Tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính số phải phát triển các sản phẩm, dịch vụ số song hành với các giải pháp công nghệ tăng cường an ninh, bảo mật thông tin cho khách hàng và sản phẩm, dịch vụ cung ứng. Bên cạnh đó, cần có cơ quan chuyên trách trong an ninh tài khoản và bảo mật thông tin cá nhân của khách hàng. Bản thân người tiêu dùng cũng cần tăng cường hiểu biết về tài chính số, chủ động cập nhật những thông tin mới về các hành vi lừa đảo, gian lận công nghệ số trong lĩnh vực tài chính để có ý thức bảo vệ bản thân.

 

Ngày 24/4/2023, Thống đốc NHNN và lãnh đạo Bộ Công an đã ký Kế hoạch phối hợp số 01/KHPH-BCA-NHNN, trong đó với 11 đầu mục lớn và 35 nhiệm vụ cụ thể. Đây là căn cứ quan trọng để các đơn vị thống nhất triển khai thực hiện. Nhờ chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp nên đến nay đã đạt được một số kết quả tích cực. Trong đó, NHNN đã hoàn thành kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chính thức từ tháng 12/2022 cho dịch vụ công của NHNN; phối hợp với Bộ Công an đối soát, làm sạch 25 triệu hồ sơ khách hàng trong cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia. Hiện đang tiếp tục rà soát làm sạch hàng triệu hồ sơ khách hàng còn lại…

 

Nguồn tin: PX03 trích nguồn báo CAND online:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây