Tăng cường phòng, chống tội phạm mua bán người

Thứ ba - 12/09/2023 05:41
Mặc dù tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người không có những diễn biến quá phức tạp như các địa phương khác, nhưng Quảng Trị là địa phương có nhiều nguy cơ để loại tội phạm này hoạt động. Để phòng, chống hiệu quả loại tội phạm này, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh luôn xem đây là một nhiệm vụ trọng tâm và đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó xác định rõ là chủ động phòng ngừa từ sớm, từ xa, từ cơ sở là chính.
114d1191445t7103l0 bon 3023a

Phiên tòa giả định tuyên truyền về phòng, chống mua bán người được Công an tỉnh Quảng Trị phối hợp với Văn phòng Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh và UBND huyện Hướng Hóa tổ chức tại thị trấn Khe Sanh vào cuối tháng 7/2023

Tội phạm mua bán người là loại tội phạm trực tiếp xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người, xâm phạm nghiêm trọng đến các quyền cơ bản nhất của con người. Đây là vấn đề nóng, là mối quan tâm sâu sắc của cả thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, trong đó có tỉnh Quảng Trị.

Tại địa bàn Quảng Trị, với đặc thù là địa phương có hơn 187 km đường biên giới trên đất liền, địa hình rừng núi hiểm trở, có 2 cửa khẩu quốc tế, 4 cửa khẩu phụ và hệ thống giao thông, đường mòn, lối mở dân sinh phức tạp, vì thế tội phạm mua bán người thường lợi dụng để hoạt động.

Đáng chú ý, gần đây nổi lên tình trạng tội phạm mua bán người sử dụng mạng xã hội dùng bẫy “Việc nhẹ, lương cao” dụ dỗ các thanh, thiếu niên, phụ nữ thiếu hiểu biết để lừa bán ra nước ngoài.

Các ngành chức năng đã phát hiện có 2 nạn nhân quê ở Quảng Trị gồm: Tr.B.N. (SN 2005), trú tại thị trấn Khe Sanh, Hướng Hoá và H.T.T. (SN 1998), trú tại xã A Ngo, huyện Đakrông đi làm ăn ở các tỉnh, thành phố khác bị lừa mua bán bởi thủ đoạn này.

Qua nghiên cứu hoạt động tội phạm mua bán người, lực lượng Công an tỉnh thấy nổi lên một số phương thức, thủ đoạn chính của tội phạm này.

Thứ nhất: các đối tượng sử dụng nhiều tuyến đường mòn, lối mở hoặc thông qua đường sông bằng ghe nhỏ, qua đường biển bằng tàu, thuyền đánh cá của ngư dân... đưa người xuất cảnh trái phép sang các nước láng giềng của Việt Nam để bán.

Thứ hai: đối tượng mua bán người lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của các gia đình hoặc sự nhẹ dạ, cả tin, mất cảnh giác của nạn nhân, thông qua các mạng xã hội (chủ yếu là Zalo, Facebook) chúng lập nên các tài khoản ảo với tên, tuổi, địa chỉ giả để làm quen, tán tỉnh yêu đương, kết bạn nhằm môi giới đưa người ra nước ngoài trái phép. Hoặc tiếp cận, rủ rê lôi kéo đi du lịch, thậm chí hứa hẹn tìm việc làm thu nhập cao, sau đó đưa đến khu vực biên giới và lừa bán nạn nhân làm nhân viên phục vụ tại các quán karaoke, cắt tóc, massage... trong nội địa hoặc nước ngoài.

Thứ ba: các đối tượng trong nước cấu kết với đối tượng là người Việt Nam cư trú ở nước ngoài và người nước ngoài hình thành đường dây khép kín nhằm dụ dỗ, lừa gạt, mua bán nạn nhân trong nước để đưa ra nước ngoài với nhiều mục đích khác nhau như: bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, kết hôn và cho, nhận con nuôi trái pháp luật...

Thứ tư: các đối tượng tìm kiếm, tiếp cận làm quen với những bệnh nhân mắc bệnh thận, suy thận có nhu cầu ghép thận, tiến hành môi giới, thỏa thuận giá cả mua bán, sau đó chúng tổ chức đưa người bán, người mua đi xét nghiệm, làm thủ tục liên quan, đợi đến ngày ghép thận và hưởng lợi bất chính.

Thứ năm: các đối tượng lập hội, nhóm kín như: “Cho và nhận con nuôi” trên mạng xã hội, tìm kiếm những phụ nữ có thai nhưng không có nhu cầu nuôi con hoặc có hoàn cảnh kinh tế khó khăn để xin con nuôi, sau đó đem bán lấy tiền hưởng lợi.

Thứ sáu: các đối tượng dụ dỗ, môi giới việc làm, lừa bán người lao động cho các tàu khai thác thủy sản trên biển, nhiều trường hợp bị cưỡng bức lao động khổ sai ở trên biển dài ngày.

Thứ 7: lợi dụng địa bàn rừng núi vắng vẻ, bọn tội phạm tổ chức các hoạt động bắt cóc hoặc chiếm đoạt trẻ em, nhất là số trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số thường đi lấy củi, làm nương rẫy, chăn thả gia súc ở khu vực sát biên giới. Một số đối tượng còn lân la làm quen với gia đình nạn nhân rồi xin nghỉ lại qua đêm, sau đó chúng lợi dụng sơ hở để đánh thuốc mê người lớn rồi bắt cóc trẻ em...

Để nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế với các cơ quan các nước có chung đường biên giới, các tổ chức quốc tế trong phòng, chống mua bán người theo chức năng của lực lượng công an trong thời gian tới, Công an tỉnh Quảng Trị đề xuất một số giải pháp và kiến nghị lên Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh. Trọng tâm là tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1542/QĐ- BCA-C41 ngày 27/4/2016 của Bộ Công an về phê duyệt Đề án 5 “Hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người” và các Chương trình, kế hoạch của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh Quảng Trị về phòng, chống mua bán người.

Tăng cường hợp tác trong tuyên truyền về phòng, chống mua bán người giữa hai nước Việt - Lào; duy trì mối quan hệ phối hợp, giao lưu hữu nghị giữa tỉnh Quảng Trị với 2 tỉnh Savannaket và Salavan (Lào). Tiếp tục triển khai công tác điều tra tình hình mua bán người khu vực biên giới, kịp thời nắm các thông tin về đối tượng, đường dây, ổ nhóm tội phạm mua bán người, các nạn nhân bị mua bán để kịp thời xác minh, điều tra phá án và giải cứu các nạn nhân.

Triển khai thực hiện có hiệu quả các hiệp định hợp tác song phương đã ký kết giữa Việt Nam với Lào và biên bản ghi nhớ giữa Quảng Trị với các tỉnh tiếp giáp với Lào, trọng tâm là tổ chức thực hiện các điều ước quốc tế, cam kết quốc tế về phòng, chống mua bán người giữa hai nước.

Tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng thực hiện cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người; đào tạo đội ngũ phiên dịch viên tiếng Lào để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

 

Nguồn tin: PX03 trích nguồn Báo Quảng Trị online:

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây