Bảo đảm an toàn giao thông đối với học sinh: Vấn đề rất đáng quan tâm

Thứ bảy - 06/01/2024 22:32
Trong bảng số liệu tai nạn giao thông liên quan đến học sinh (từ 6 đến 18 tuổi), 10 tháng đầu năm 2023 của Cục Canh sát giao thông, Bộ Công an, được thông tin tại Hội nghị trực tuyến chuyên đề đảm bảo an toàn giao thông đối với học sinh của Chính phủ tổ chức vào ngày 02/11/2023, cho thấy Quảng Trị là một trong những địa phương có số vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh cao nhất, cho dù giảm cả ba tiêu chí so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo thống kê, từ ngày 15/12/2022 đến ngày 14/10/2023, Tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến học sinh (độ tuổi từ 6 đến 18) trên địa bàn Quảng Trị xảy ra 28 vụ, làm chết 11 em, 36 em khác bị thương. So với cùng kỳ năm 2022, TNGT liên quan đến học sinh giảm 11 vụ, giảm 9 người chết và giảm 19 người bị thương; chiếm 20% số vụ TNGT trên toàn tỉnh. So với các tỉnh thành trong cả nước thì cho dù là một tỉnh nhỏ, nhưng TNGT liên quan đến học sinh của Quảng Trị lại đứng ở tốp đầu (chỉ sau Hà Nội, tp.Hồ Chí Minh và Gia Lai), trong khi nhiều tỉnh, thành có diện tích lớn và dân số đông gấp nhiều lần Quảng Trị  nhưng TNGT liên quan đến học sinh không xảy ra hoặc xảy ra rất ít. Cụ thể như Quảng Ninh chỉ xảy ra 01 vụ làm 01 em bị thương; Thái Bình không xảy ra vụ nào; Nghệ An chỉ xảy ra 01 vụ làm 01 em bị thương…
 
FB IMG 1702345191617 (1)

Phân tích nguyên nhân dẫn đến TNGT liên quan đến học sinh trên địa bàn Quảng Trị, đồng chí trung tá Nguyễn Văn Huấn – Đội trưởng đội tham mưu – tổng hợp, phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh cho biết, nguyên nhân chủ yếu là do các em thiếu quan sát, không nhường đường. Thứ nữa là nhiều em thiếu ý thức trong tham gia giao thông, thiếu hiểu biết về luật giao thông nên khi tham gia giao thông thiếu tuân thủ các quy định dẫn đến xảy ra tai nạn. Mặt khác, cơ sở hạ tầng giao thông địa bàn Quảng Trị cũng là vấn đề đáng bàn. Chính sự hạn chế về cơ sở hạ tầng đã tạo nên những điểm “đen” hay xảy ra những vụ TNGT đáng tiếc trong thời gian vừa qua. 

Từ thực tế tình hình cho thấy, tình hình TNGT liên quan đến lứa tuổi học sinh trên cả nước nói chung, tỉnh Quảng Trị nói riêng, là vấn đề hết sức lo ngại. Mỗi năm cả nước có gần 500 học sinh trong độ tuổi từ 6 đến 18 bị chết và trên 800 em khác bị thương tật do TNGT, riêng Quảng Trị có trên dưới 30 em phải từ giã cuộc sống; cũng tương đương chừng đó số em mang di chứng suốt đời từ thương tật do tai nạn giao thông, đã để lại những hậu quả nặng nề đối với chính các em, gia đình và xã hội. Một thực tế cần suy nghĩ và cần được thay đổi đó chính là trách nhiệm của nhà trường, gia đình và xã hội trong mối quan hệ phối hợp để bảo đảm an toàn cho lứa tuổi học sinh khi tham gia giao thông. Việc phối hợp giữa gia đình – nhà trường – xã hội để quản lý, giáo dục học sinh chấp hành pháp luật về TTATGT hiện còn chưa hiệu quả, một bộ phận còn thiếu trách nhiệm nên khi học sinh ra khỏi nhà thì gia đình xem là việc của xã hội, của nhà trường; khi học sinh ra khỏi trường thì nhà trường xem là việc của xã hội, của gia đình cũng chính là một trong những nguyên nhân gây TNGT. Tình trạng học sinh vi phạm pháp luật về an toàn giao thông ngày càng phổ biến và có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng học sinh THCS và THPT đi học bằng các loại phương tiện xe điện, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng ngang, chạy quá tốc độ, vượt ẩu, lạng lách đánh võng, gây rối trật tự công cộng, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông…đang diễn ra khá phổ biến, làm gia tăng nguy cơ gây TNGT.

 
1695656303740 1

Theo thống kê, có rất nhiều vụ TNGT liên quan đến học sinh thuộc về trách nhiệm của một bộ phận phụ huynh hoặc người giám hộ. Nhiều vụ TNGT liên quan đến học sinh xảy ra do các em điều khiển xe mô tô phân khối lớn được coi là hệ quả của việc cha mẹ giao xe cho con cái mình điều khiển không đúng quy định; nhiều bậc phụ huynh chưa nêu gương trong việc chấp hành các quy định về TTATGT khi tham gia giao thông như không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, sử dụng rượu bia ….dẫn tới ảnh hưởng tiêu cực tới ý thức và hành vi của các con.  Theo phản ảnh của Công an huyện Gio Linh và Trung tâm Hướng nghiệp dạy nghề và Giáo dục thường xuyên huyện thì có một số bậc phụ huynh tại địa bàn còn thờ ơ, thiếu trách nhiệm trong quản lý con cái, khi con cái vi phạm TTATGT còn tỏ thái độ thiếu hợp tác với lực lượng chức năng trong công tác xử lý vi phạm, có thái độ bao che cho các hành vi vi phạm của con cái.

Thực tế cũng cho thấy, cho dù các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT đã được triển khai; nhiều mô hình về ATGT trường học đã được xây dựng trên địa bàn như mô hình “cổng trường an toàn giao thông”, mô hình “văn hóa giao thông trong trường học”, mô hình “trường học an toàn, thân thiện, chấp hành tốt luật giao thông”…nhưng hiệu quả đưa lại vẫn chưa cao, nhiều học sinh vẫn chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân khi tham gia giao thông, nhiều nhà trường chưa nhận thức được đầy đủ trách nhiệm trong công tác này. Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, phổ biến còn chung chung, hình thức, chưa thực sự tác động hiệu quả đến đối tượng đặc thù là học sinh….Mặt trái của internet và mạng xã hội cũng đã tác động tiêu cực đến nhận thức và hành vi của giới trẻ hiện nay, đơn cử như việc nhiều người trương thành, thậm chí là người nổi tiếng, người có ảnh hưởng trong xã hội có những hành vi không chuẩn mực đã ảnh hưởng tiêu cực đến lớp trẻ. 

TNGT hiện là mối quan tâm không của riêng ai; TNGT liên quan đến học sinh càng là vấn đề rất đáng quan tâm, bởi lứa tuổi học sinh chính là mầm non, là tương lai của đất nước, của xã hội. Vì vậy, để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng TNGT liên quan đến học sinh, ngăn chặn tối thiểu những nỗi đau đớn, mất mát xảy ra liên quan đến học sinh cho các gia đình thì vượt lên sự quan tâm chính là cả xã hội phải hành động. Tại Quảng Trị, cần có sự nỗ lực của các cấp các ngành trong đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông phù hợp, đáp ứng đồi hỏi của tình hình; tăng cường nguồn lực và sử dụng linh hoạt các nguồn lực để tăng cường năng lực cho các lực lượng đảm bảo TTATGT; lực lượng chức năng cần tiếp tục xây dựng và triển khai cũng như kiểm soát các chuyên đề về ngăn chặn học sinh điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ điều kiện, chưa có giấy phép lái xe; không đội mũ bảo hiểm tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy; chạy quá tốc độ, chở quá số người quy định, lạng lách, đánh võng, bốc đầu xe, đua xe trái phép… ; tiếp tục đổi mới về nội dung, hình thức công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT, đa dạng hóa các hình thức, trong đó chú trọng tuyên truyền cá biệt, ứng dụng mạng xã hội để học sinh dễ ghi nhớ, dễ thực hiện;  thông tin cụ thể các vụ TNGT nghiêm trọng liên quan đến học sinh để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của giáo viên và học sinh đối với gia đình, nhà trường và xã hội trong việc phòng tránh TNGT; phát động và xây dựng phong trào toàn dân tích cực tham gia bảo đảm TTATGT nhằm vận động từng gia đình không giao xe cho con em sử dụng khi chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện…; thực hiện tốt sự phối hợp giữa lực lượng chức năng – nhà trường và gia đình trong quản lý, giáo dục học sinh chấp hành pháp luật về TTATGT; thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chương trình phối hợp số 11/CTrPH/BCA-BGDĐT được ký kết giữa Bộ Công an và Bộ Giáo dục và Đào tạo về tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2022-2025 nhằm bảo đảm an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh./.


 

Nguồn tin: PX03:

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây