Thủ đoạn mới của tội phạm lừa đảo qua mạng

Thứ hai - 27/03/2023 04:24
Hiện nay, tội phạm thực hiện hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” trên không gian mạng diễn biến khá phức tạp. Bên cạnh những “chiêu thức” cũ, đối tượng gây án đã có một số thủ đoạn mới nhằm đánh vào lòng tin của các bị hại.
Thủ đoạn mới của tội phạm lừa đảo qua mạng
Thủ đoạn mới của tội phạm lừa đảo qua mạng

Đối tượng Lê Doãn Tuấn tại cơ quan công an

Vào đầu tháng 3/2023, Công an huyện Gio Linh đã điều tra làm rõ đối tượng Lê Doãn Tuấn (sinh năm 2003), trú tại xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong vì thực hiện 4 vụ “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của một số nạn nhân trong và ngoài tỉnh với tổng số tiền 127 triệu đồng. Sau khi thu thập đầy đủ chứng cứ, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Gio Linh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lê Doãn Tuấn về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trước đó, Công an huyện Gio Linh nhận được đơn trình báo của chị V.A., trú tại xã Gio Việt, huyện Gio Linh, về việc tài khoản facebook “Thao Nhy” của con gái chị bị kẻ gian giả mạo, sau đó lừa và chiếm đoạt của chị một khoản tiền khá lớn.

Sau khi nhận được đơn trình báo, Công an huyện Gio Linh khẩn trương vào cuộc điều tra, xác minh và làm rõ đối tượng gây án là Lê Doãn Tuấn. Điều tra mở rộng, Công an huyện Gio Linh còn xác định, bằng thủ đoạn nói trên, Lê Doãn Tuấn là thủ phạm thực hiện 4 vụ “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” khác với tổng số tiền 127 triệu đồng.

Qua tìm hiểu một số vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” qua mạng trước đây xảy ra trên địa bàn tỉnh, đối tượng thường sử dụng thủ đoạn là tạo ra các trang website giả mạo bình chọn cho ca sĩ, người nổi tiếng để lừa các chủ tài khoản facebook vào điền thông tin tài khoản để bình chọn. Sau khi các chủ tài khoản điền thông tin thì đối tượng đồng thời cũng có được mật khẩu tài khoản facebook của chủ tài khoản.

Từ đó, các đối tượng sẽ thực hiện việc đăng nhập và chiếm đoạt toàn quyền điều khiển tài khoản facebook đó. Bước tiếp theo, các đối tượng sẽ tìm đến những người có trong danh sách bạn bè của chủ tài khoản facebook để tìm cách nói chuyện; vào lịch sử trò chuyện (của chủ tài khoản) với bạn bè để tìm hiểu cách xưng hô, cách nói chuyện rồi giả là chủ tài khoản facebook để mượn tiền hoặc chuyển thẻ vào điện thoại.

Phần lớn, tài khoản mà các đối tượng chiếm đoạt để thực hiện hành vi lừa đảo là những người ở các tỉnh, thành khác hoặc là người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc ở nước ngoài. Vì những chủ tài khoản facebook ở nước ngoài có múi giờ khác với Việt Nam nên có nhiều bị hại sau khi bị lừa chuyển tiền, việc liên lạc, xác minh với người thân rất khó khăn…

Đại úy Nguyễn Đình Tứ, Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về hình sự - kinh tế - ma túy, Công an huyện Gio Linh cho biết: trong vụ án Lê Doãn Tuấn “Lừa đảo chiếm đoạt tài khoản”, đối tượng cũng gửi đường link bình chọn cho nhiều người. Nếu chủ tài khoản facebook nào mất cảnh giác, nhấn vào đường link thì sẽ bị đối tượng chiếm đoạt quyền sử dụng. Bước tiếp theo, đối tượng sẽ lừa nạn nhân theo kịch bản đã được soạn sẵn.

Cụ thể, đối tượng sẽ tùy vào tình hình thực tế của từng nạn nhân (sau khi tìm hiểu lịch sử các tin nhắn trong messenger) để đưa ra kịch bản là “con” hoặc “hàng xóm tốt bụng” rồi yêu cầu nạn nhân chuyển tiền. Đồng thời, nếu nạn nhân hay gọi messenger thì đối tượng sẽ cắt ghép hình ảnh để tạo ra cuộc gọi như thật.

Thường các cuộc gọi được đối tượng thực hiện với thời gian rất ngắn, vừa đủ để tạo lòng tin nhưng cũng tránh trường hợp bị phát hiện. Sau đó, với lý do mạng yếu, đối tượng sẽ chuyển qua trao đổi với nạn nhân bằng cách nhắn tin.

Đáng chú ý, đối tượng thường sử dụng “kịch bản” là chuyển tiền cho người đang cấp cứu, điều trị bệnh cần tiếp gấp với 2 mục đích: một là đánh vào tâm lý nhân đạo, nhân văn của người dân; hai là không để cho nạn nhân có đủ thời gian nhất định để xác minh thông tin.

Thượng tá Nguyễn Văn Bình, Phó trưởng Công an huyện Gio Linh cho biết: để góp phần phòng ngừa hiệu quả đối với loại tội phạm “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” qua mạng, người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, thường xuyên cập nhật những khuyến cáo, cảnh báo thủ đoạn lừa đảo của tội phạm từ các đơn vị chức năng và cơ quan báo chí.

Đồng thời, trong cuộc sống hằng ngày, khi người dân có yêu cầu chuyển tiền qua các mạng xã hội như facebook, zalo… thì cần phải có sự xác minh, tìm hiểu bằng nhiều cách khác nhau. Nếu có chuyển tiền thì không nên chuyển vào những tài khoản “lạ”, tài khoản mới. Nếu cảm thấy yêu cầu chuyển tiền có sự bất thường hoặc nghi vấn thì nên trình báo cho cơ quan công an để kịp thời xác minh, điều tra, làm rõ.

 

Nguồn tin: PX03 trích nguồn Báo Quảng Trị online:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây