Khi cơn giận nhấn chìm tất cả...

Chủ nhật - 13/11/2022 22:13
Vụ án này được Tòa án nhân dân tỉnh đưa ra xét xử trong suốt một ngày. Nhưng câu chuyện liên quan đến vụ án mạng đã được dư luận xôn xao trong một thời gian khá dài trước đó. Khi phiên tòa được mở ra, theo lời khai của các bị cáo, người ta vỡ vạc ra được nhiều câu chuyện hơn. Nhưng điều đọng lại vẫn nằm ở chính câu thừa nhận của một trong hai bị cáongười đã chọn cho mình con đường tu hành để làm lẽ sống - cho rằng mình là người vô minh, sân hận, bị cơn giận giữ của bản thân nhấn chìm tất cả, để rồi nhúng tay vào tội ác.
Một vụ án Giết người được Tòa án nhân dân tỉnh đưa ra xét xử 
 
Lâu nay, các vụ án mạng thỉnh thoảng vẫn xảy ra trên địa bàn tỉnh. Và như một quy luật tất yếu, kẻ thủ ác luôn phải trả giá đắt cho hành vi vi phạm pháp luật của mình. Vậy nhưng, vụ án xảy ra vào cuối năm 2021 vẫn khiến nhiều người nhức nhối, bàng hoàng bởi hiện trường xảy ra vụ án mạng này là tại một niệm phật đường. Đối tượng gây án là một đại đức hoạt động tôn giáo tại niệm phật đường này.
 
Chốn tu hành là nơi thanh tịnh, con người khi bước vào đây là đã buông bỏ tất cả những tham, sân, si để hướng đến sự bình an trong tâm hồn và luôn làm điều thiện, khuyên răn mọi người làm điều thiện. Vậy nhưng những gì các bị cáo gây ra ở niệm phật đường này lại đi ngược với suy nghĩ đó. Chọn con đường tu hành để hướng đạo nhưng trước những mâu thuẫn xảy ra trong cuộc sống, Đ. - tên của bị cáo - đã thất bại trong việc tìm ra hướng giải quyết thấu đáo. Để rồi không chỉ Đ. nhúng tay vào tội ác mà còn rủ rê một người khác là T. cùng phạm tội với mình.
 
Tại phiên tòa, 2 bị cáo đều thành khẩn, thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố. Theo đó, chỉ vì không đồng tình với thái độ, hành vi của bà H. đối với đời tư, tình cảm, sinh hoạt hằng ngày của mình mà hai bị cáo đã rắp tâm sát hại nạn nhân. Thực ra, mối quan hệ của Đ. và bị hại diễn ra từ trước đó nhiều năm, trước cả khi bị cáo chuyển về niệm phật đường này. Nạn nhân rất quan tâm bị cáo, nhưng theo bị cáo, đó là sự quan tâm thái quá. Vì thế, Đ. rất khó chịu.
 
Thêm vào đó, bị hại nhiều lần phản ánh với chính quyền xã về việc Đ. lấn chiếm đất của một trường học nên từ đó Đ. nảy sinh ý định trả thù. Từ ý định đến hành động là một khoảng thời gian khá dài, đủ để bị cáo tĩnh tâm suy nghĩ lại xem mình chọn cách làm đó có nên không, có đúng với điều mà Phật giáo răn dạy hay không. Vậy mà thời gian và tiếng chuông chùa hằng đêm vẫn không sao xóa được ý định trả thù đen tối đó trong suy nghĩ của một con người chọn cửa Phật làm nơi nương náu. Hơn nữa, ý định trả thù lại được bị cáo “nhân rộng” sang người khác, dẫn đến “việc ác” của Đ. được tiếp sức. Biết T. cũng có mâu thuẫn với bà H. nên Đ. rủ T. cùng tham gia đánh bà H.
 
Kế hoạch đó được thực hiện vào một ngày cuối năm 2021, khi bà H. lại đến niệm phật đường để chửi mắng Đ. Cơn giận bùng lên, Đ. chạy xe máy tới nhà T., đưa 5 triệu đồng để T. tham gia đánh bà H. với mình. Vì đã nhận lời từ trước nên T. nhận tiền không chút đắn đo.
 
Sau đó, bà H. nhận được tin nhắn đến niệm phật đường để giải quyết một số chuyện mà không biết tai họa đang chờ mình ở đó. Khi bà H. đến nơi, được sự hỗ trợ của T., Đ. thực hiện trót lọt hành vi phạm tội của mình, dùng gậy tre và gậy sắt đánh bà H. nhiều phát gây đa chấn thương, dẫn đến tử vong. Nghĩ bà H. đã chết nên T. rời khỏi niệm phật đường, còn Đ. điều khiển xe máy của bà H. đến bờ sông rồi lại gọi T. đến phụ đẩy xe xuống sông.
 
Chưa dừng lại ở đó, cả hai bị cáo quay về niệm phật đường chở thi thể nạn nhân đi phi tang ở bờ kè sông Thạch Hãn. Đau lòng hơn là trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội của mình, vì sợ nạn nhân chưa chết hẳn nên Đ. nói T. dùng bình xịt hơi cay xịt vào người nếu thấy nạn nhân còn van la. Quá trình dùng gậy đánh nạn nhân Đ. vừa đánh vừa hét: “chân này, tay này, ngày mô cũng về phá”.
 
Cảm giác như sự tức giận của bị cáo, đến thời điểm đó vẫn chưa thể nguôi được, từng lượt, từng lượt trút lên thân thể người phụ nữ đáng thương. Cũng đã có lúc, đối tượng gây án chững lại, đó là khi T. giật lấy cái gậy từ tay Đ. vứt ra ngoài bãi cỏ không cho đánh nữa nhưng rồi cơn giận cứ như sóng trào dâng, lấn át cả tình người, lấn át cả sự sợ hãi (nếu có) trong con người Đ. Rồi cả quá trình thực hiện hành vi đánh đập nạn nhân cho đến chết đó, Đ. vẫn một điều, hai điều xưng “thầy” với T. Cách xưng hô đó không hề gợi cho bị cáo nhớ đến thân phận của mình, mà đừng ra tay quá ác độc.
 
Điều khiến mọi người không hài lòng là tại phiên tòa, dù ăn năn, hối lỗi, dẫu thừa nhận mình là người nhà Phật nhưng sân hận để rồi rước ân hận nhưng sâu thẳm trong suy nghĩ của Đ., việc “giết người” này là do “nghiệp chướng” của đời mình nặng quá, nên buộc phải trả mà thôi. Lấy quan điểm của Phật giáo để lý giải cho hành vi phạm tội của mình là điều không thể chấp nhận được.
 
Bản án chung thân đối với Đ. và 12 năm tù đối với T. không có gì phải bàn cãi vì đó là cái giá phải trả cho hành vi ác độc của các bị cáo. Nhưng bản án đạo đức, bản án của lương tâm thì không ai có thể tuyên được, dù các bị cáo dùng cả phần đời còn lại của mình để ăn năn, hối cãi. Nghiệp chướng của đời mình mà phải lấy đi mạng sống của người khác, có đáng không?
 
 

Nguồn tin: PX03 trích nguồn Báo Quảng Trị online:

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây