Danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất đối với chiến sỹ Công an

Thứ sáu - 05/01/2024 02:14
Trải qua 78 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, được sự quan tâm giáo dục, rèn luyện của Đảng và Bác Hồ; sự ủng hộ của Nhân dân, lực lượng Công an nhân dân luôn thực hiện nghiêm túc Sáu điều Bác Hồ dạy, đoàn kết, năng động, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, khắc phục khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, viết nên truyền thống anh hùng, vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân.

Từ những giá trị tinh hoa của Sáu điều Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy Công an nhân dân, tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 73 diễn ra ngày 15/01/2018, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nhấn mạnh “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” có ý nghĩa hết sức sâu sắc đối với sự rèn luyện, phấn đấu, trưởng thành của mỗi cán bộ chiến sỹ Công an.

Sinh hoạt chuyên đề Tự hào lực lượng CAND 75 năm học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy 1

Danh dự là một trong những phẩm chất cao quý của mỗi người, là giá trị làm người. Danh dự chính là sự coi trọng, đánh giá cao của dư luận xã hội đối với một người dựa trên các giá trị tinh thần, đạo đức của người đó. Do đó, danh dự không chỉ được xã hội công nhận mà còn được pháp luật công nhận và bảo vệ. Danh dự có ý nghĩa rất lớn thúc đẩy con người làm điều thiện, điều tốt, ngăn ngừa điều ác, điều xấu. Người xưa trọng danh dự như mạng sống, thậm chí còn hơn cả mạng sống. Danh dự có giá trị trường tồn. 

Danh dự không tự nhiên có được, mà đến từ sự đóng góp, cống hiến của người đó với tổ chức, tập thể, xã hội; do sự tu dưỡng, phấn đấu, rèn luyện miệt mài như “Ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Danh dự không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, địa vị, chức vụ, nghề nghiệp, giới tính. Người có danh dự, trọng danh dự sẽ được mọi người yêu mến, tin tưởng, tôn trọng. Danh dự không thể mua bán, trao đổi, ban phát hay cho tặng. Tiền bạc mất đi có thể kiếm lại được, còn danh dự mất đi thì không thể lấy lại được. Do vậy, người có danh dự, trọng danh dự khi làm một việc gì luôn cẩn trọng, suy xét một cách thấu đáo; người trọng danh dự luôn hướng tới điều thiện, điều tốt, tránh những điều xấu, điều ác.

Danh dự không phải là điều gì đó bất biến, còn mãi, trái lại sẽ bị giảm sút, thậm chí mất đi nếu không biết giữ gìn, bảo vệ, bồi đắp, như lời chỉ dạy của Bác Hồ, rằng “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Đây là những lời nhắc nhở, đồng thời là sự tổng kết kinh nghiệm của cha ông về đạo lý làm người, giá trị của con người mà mỗi cán bộ chiến sỹ Công an phải thấu triệt, suốt đời tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, đấu tranh chủ nghĩa cá nhân, những thói hư, tật xấu trong bản thân mỗi người, để làm cho cái tốt, cái đẹp, điều thiện nảy nở như hoa mùa xuân; để đến khi trở về cuộc sống đời thường hay trước lúc nhắm mắt xuôi tay không cảm thấy ân hận, hổ thẹn vì đã giữ được trọn vẹn danh dự của mình. 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhấn mạnh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Cán bộ chiến sỹ Công an đặc biệt là người lãnh đạo phải biết trọng danh dự, giữ liêm sỉ. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhiều lần nhấn mạnh: Cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý cần khắc cốt, ghi tâm những lời dạy của Bác. “Cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân có hành vi tham nhũng, tiêu cực” (Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ngày 30/6/2022)

Đề cao danh dự còn có nghĩa là biết trọng liêm sỉ: “Liêm” chính là sự thanh liêm, chính trực, ngay thẳng, đó là sự trong sạch, tuyệt đối không tham ô, tham nhũng, tiêu cực, là “luôn tôn trọng, giữ gìn của công và của Nhân dân”, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy, không ham tiền tài, danh vọng, địa vị, sống quang minh chính đại, không đố kỵ, bận tâm toan tính lợi ích nhỏ nhen. “Liêm” chính là thước đo đạo đức và bản lĩnh của người cán bộ. Sự liêm chính của cán bộ, đảng viên tạo uy tín và lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN.

 Mỗi người cán bộ chiến sỹ Công an cần biết trọng danh dự, giữ cho được liêm sỉ, thanh danh của bản thân và của Đảng, gương mẫu thực hiện tốt mọi chủ trương, đường lối, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghiêm túc thực hiện tự phê bình và phê bình, luôn tự soi, tự sửa những hạn chế, sai lầm, khuyết điểm, góp phần xây dựng nền văn hóa chính trị, văn hóa liêm chính.

Mỗi cán bộ, chiến sỹ Công an phải thường xuyên tự soi, tự sửa, tự tu dưỡng, rèn luyện theo Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân. Phải coi đây là việc làm thường xuyên, rất hệ trọng, trở thành tiềm thức trong trái tim, khối óc và hành động thực tế trong công tác, chiến đấu hằng ngày của mình; luôn luôn giữ mình thật trong sạch, thật vững vàng, biết từ chối những “viên đạn bọc đường”; không sa ngã trước bất cứ sự mua chuộc, lôi kéo nào của các phần tử xấu, của các loại tội phạm; không bị cám dỗ bởi những danh lợi tầm thường; không lợi dụng cương vị công tác của mình để làm những việc trái luật pháp, trái đạo đức, làm phương hại đến lợi ích chung của Đảng, Nhà nước và lợi ích chính đáng của Nhân dân. Không vì lợi ích, danh lợi mà bất chấp thủ đoạn, sống không có nghĩa tình với đồng chí, đồng đội, cơ hội, thực dụng, sa vào lợi ích nhóm, bè phái, mất đoàn kết. 
 

1695658951819

Coi trọng danh dự đối với người Công an còn thể hiện ở việc: Đoàn kết, gắn bó mật thiết với Nhân dân, dựa vào dân, tận tâm, tận tình, khiêm tốn, cầu thị, lắng nghe, giải quyết nguyện vọng chính đáng của Nhân dân; khắc phục biểu hiện thờ ơ, vô cảm khi tiếp xúc với Nhân dân; lấy đó làm phương châm công tác của Công an nhân dân.

Bảo vệ được uy tín, danh dự thiêng liêng và phát huy được truyền thống anh hùng, cách mạng vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân, đó chính là trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân, đó cũng chính là nhiệm vụ đặt ra đối với mỗi cán bộ chiến sỹ Công an Quảng Trị. Để quán triệt và thực hiện hiệu quả Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân và lời huấn thị của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, yêu cầu toàn lực lượng tập trung triền khai các nhiệm vụ:

1. Cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy Công an các cấp phải thường xuyên tổ chức học tập, nghiên cứu, quán triệt nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của  Bộ Công an và của cấp ủy cấp trên về xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

2. Tập trung giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống giúp cán bộ, chiến sĩ kiên định lập trường, trung thành với Đảng, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Quan tâm giáo dục, nâng cao năng lực cảm thụ thẩm mỹ, bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm, giáo dục văn hóa ứng xử cho cán bộ chiến sỹ.

3. Thực hiện hiệu quả 05 chủ động trong công tác tác tư tưởng “chủ động nắm, định hướng, dự báo, đánh giá và giải quyết tình hình tư tưởng” và phương châm “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả”; duy trì nghiêm 05 Lời thề, 10 Điều kỷ luật, điều lệnh, quy tắc ứng xử, quy chế, quy trình công tác theo phương châm “trên làm gương mẫu mực, dưới tích cực làm theo”.

4. Triển khai thực hiện hiệu quả các hình thức lấy ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức và Nhân dân đối với Công an nhân dân về tư thế, lễ tiết, tác phong, tinh thần trách nhiệm trong thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao. Tiếp thu, chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật, cải tiến, đổi mới lề lối làm việc, lấy kết quả sự hài lòng của Nhân dân làm thước đo đánh giá chất lượng, hiệu quả công tác. Tăng cường hoạt động dân vận, ủng hộ, giúp đỡ Nhân dân, xây dựng mối quan hệ gần gũi, gắn bó mật thiết với Nhân dân.

5. Thực hiện nghiêm túc quy định nêu gương, xây dựng phong cách bản lĩnh, nhân văn, vì Nhân dân phục vụ; nêu cao tinh thần gương mẫu, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; bản lĩnh, kiến định, vững vàng trước sự tác động, lôi kéo, mua chuộc, tấn công của các thế lực thù địch, các loại tội phạm; chủ động phát hiện, biểu dương, động viên, khen thưởng tập thể, cá nhân điển hình, tiêu biểu; chấn chỉnh, xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm; chủ động tự trang bị kiến thức, am hiểu về chính trị, pháp luật, sắc bén về nghiệp vụ, “tự học, tự rèn”, tự phê bình và phê bình, “tự soi”, “tự sửa”, “tự nhận diện”, phòng ngừa suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. 

 Đoàn kết, bảo vệ uy tín, danh dự, truyền thống Công an nhân dân; khiêm tốn, giản dị, chân thành, thân ái giúp đỡ đồng đội; thấy đúng phải bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh, đề cao bản lĩnh, không sa ngã trước cám dỗ bởi lợi ích vật chất, tiền tài, danh vọng; thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chỉ công vô tưchân thành, giản dị, tâm huyết, tận tụy. Thường xuyên lấy Sáu điều Bác Hồ dạy làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động hằng ngày; chấp hành nghiêm kỷ cương, kỷ luật, điều lệnh, quy tắc ứng xử Công an nhân dân. Sẵn sàng chấp nhận gian khổ, hy sinh vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của Nhân dân; lấy niềm vui, hạnh phúc, sự hài lòng của Nhân dân làm thước đo đánh giá chất lượng hiệu quả công tác, xây dựng hình ảnh đẹp trong lòng Nhân dân, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của nhiệm vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới./.

Nguồn tin: Công an Quảng Trị:

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây